Cười Đáp Trả Thanh Xuân

• Nhạc: Ngu Yên
• Thơ: Cố Quận, của Lê Thị Huệ
• Trình bày: Nguyễn Thảo
• Đọc thơ: Đặng Ngọc Phụng
• Hòa âm & phối khí: Lý Giai Niên
• Ghi âm & Final mix: Studio LGN
• Photo & graphics: MarcMarc

Tôi có anh bạn sống đời khá giả.  Anh gửi con đi học piano.  Một lần họp bạn bè tại tư gia, sau bữa ăn tối thịnh soạn, anh mời mọi người ngồi quanh cây đàn để thưởng thức tiếng đàn của con mình.  Đứa bé tuy nhỏ tuổi nhưng tỏ ra có năng khiếu về nhạc.  Tôi mê man thưởng thức tiếng đàn như mưa rơi gió cuốn trong bản Fantasie Impromtu, như ánh trăng dịu dàng trong Moonlight Sonata… Cho đến khi tiếng đàn đổi qua khúc Fur Elise, tôi nghe anh bạn tôi lên tiếng, “Bài này mới hay nè.  Nãy giờ nghe đàn mà buồn ngủ muốn chết.”

Nhạc ru ngủ.  Tôi nghe cụm chữ này từ thời còn nhỏ.  Nhưng chúng mang một ý khác trong thời chiến tranh.  Nhạc phản chiến là loại nhạc ru ngủ, làm nản lòng các chiến sĩ ngày đêm ngoài trận tuyến.

Nhưng tôi nghĩ, những ca khúc vay mượn những óng ả của giai điệu quen tai cũng như từ ngữ đã được dùng quá nhiều, đã trở thành cliché, là một loại ru ngủ khác.  Ru ngủ văn hóa.  Văn hóa ngủ thì không thể năng động tiến tới tương lai, không thể theo kịp văn hóa thế giới.

Cố Quận là bài thơ của Lê Thị Huệ, được Ngu Yên phổ nhạc năm 1998.  Tôi ghi âm  và phát hành trong cuốn CD Bóng Nắng Khuya năm 2001.

Nhiều người nghe xong đã phản đối, “Nhạc gì mà nói năng thô cộc; câu ‘thử vất cảm xúc vào thùng rác’ nghe thật chướng tai.”

Tôi bảo, “Âm nhạc đâu phải lúc nào cũng để ru ngủ đâu.  Các bạn cứ thử quăng cái định kiến đó vô thùng rác rồi xem sao.”

Khi tôi hát ca khúc này, tôi chỉ cảm đôi cánh thiên thần mở rộng, và gió thì lồng lộng thổi.  Tôi đã bay thật cao…

Nguyễn Thảo, 04/2023

Cười Đáp Trả Thanh Xuân

Đứng ngã tư đường
Nhai mẩu bánh mì
Chung quanh, một bầy đàn ông âu yếm hôn nhau

Tôi no nê cánh gió thiên thần
Đáp xuống trần gian tục lụy
Đứng trước hiên nhà bơ vơ

Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Đi, đi như mọi người

Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Tôi nhủ lòng
Thôi không viết bài thơ

Bây giờ đứng lừa đuổi chiều cố quận
Lòng rưng rưng
Nắm tay cùng thanh xuân đi qua phố hoa đèn
Ôm sợi tóc xước thời gian
Tôi thả thời gian lùa mái tóc theo gió
Bay theo ngập ngừng đêm tối

Tôi vớt vội nụ tình hồng dễ thương chân thật nở quỳnh hương
Nhưng bất ngờ
Giữa dòng thời gian vội vã
Có người đàn bà lỡ thì rên xiết
Khi cười đáp trả thanh xuân

Đứng trước hiên nhà
Đau đớn hoan lạc
Tôi nhủ lòng…

Thử vất cảm xúc vào thùng rác…
Thử vất cảm xúc vào thùng rác…

Dương Cầm Dạ Khúc

• Nhạc: Lê Vũ
• Lời: Hoàng Thị Bích Ngọc
• Trình bày: Vũ Đèo
• Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
• Ghi âm: Studio Vũ Đèo
• Final mix: LeVuMusic Studio
• Photo: Trang Trần
• Graphics: MarcMarc

NT: Đáng lẽ ra, tuần trước, nhân dịp đầu năm KẻJazz định giới thiệu Dương Cầm Dạ Khúc cùng với lời chúc các bạn một năm mới “phơi phới nhiều niềm vui, du dương nhiều giai điệu, và rủng rỉnh nhiều tiền xài hoài không hết”. Nhưng vào phút chót, KJ lại quyết định mừng ngày National Bossa Nova, nên đành hoãn lại cho đến tuần này.

Lại nhân năm con mèo, định nói về năm con mèo khác với năm con mèo như thế nào, nhưng thôi…  nói chuyện nhạc chắc ăn hơn.  Nói nhảm bị rầy thì lại xúi quảy cả năm chết bà.

Chuyện nhạc thì như thế này: Dương Cầm Dạ Khúc có một giai điệu thật đẹp, là sáng tác của Lê Vũ.  Lời hát được viết bởi Hoàng thị Bích Ngọc, một nhạc sĩ đã có một thời với nhiều sáng tác, trong đó, Người Con Gái Trong Tranh là một nhạc phẩm tôi rất thích.  Thêm rằng HTBN là em gái của LV. Tài năng nghệ thuật cuộn trong mớ DNA của gia đình.

Dạ Khúc được viết từ lâu lắm, cũng phải gần 20 năm.  Tôi nhớ lần đầu tiên được nghe, tôi thấy lòng buồn rưng rức.  Giai điệu lên lên xuống xuống rất chừng mực, không thoát ra, như vẫn còn nhiều uẩn ức.  Ca từ rất nhẹ nhàng chứa đựng nhiều hình ảnh mộng mị.  Rất là HTBN.

Mãi đến năm này, khi nghe Vũ Đèo cất tiếng hát, tôi mới chiêm nghiệm ra cái nét ma quái của Dạ Khúc,  Chơi vơi trên âm vực cao, tôi bắt gặp cái lạnh của một giấc mơ không hiền.  Tiếng hát ấy như vẳng lại từ một thế giới nào thật mơ hồ.

Đèn đêm thức chờ ngóng ai? Đường phố thênh thang không hồi âm. Cành hoa trắng tỏa ngát hương, còn vấn vương chi thêm nặng trĩu con tim? Hàng cây đứng đợi dáng xưa. Thềm đá khóc, nhớ bước chân quen. Người yêu dấu, người có nghe? Lời trái tim ta đang thét gào vô vọng.

Vô tình hôm nay lướt trên Facebook, nhìn thấy bức ảnh của một người bạn, cùng với mấy dòng thơ của thi sĩ Jorge Luis Borges mà cô đã dịch: Tôi có thể cho em nỗi cô đơn tôi, bóng tối tôi, cơn đói trái tim tôi; tôi đang cố mưu chuộc em bằng bất định, bằng hiểm nguy, bằng thất bại… (I can give you my loneliness, my darkness, the hunger of my heart; I am trying to bribe you with uncertainty, with danger, with defeat…)

Đầu năm được đọc một dòng thơ xúc tích, nghe một ca khúc trữ tình, ngắm một bức ảnh sâu thẳm, lòng thấy thật mênh mông…

Cám ơn Lê Vũ và Hoàng Thị Bích Ngọc. Cám ơn Vũ Đèo. Cám ơn Trang Trần. Cám ơn những người nghệ sĩ vẫn đang đi tìm những gì lóng lánh tuyệt đẹp trong đời sống…

Dương Cầm Dạ Khúc

Đèn đêm thức chờ ngóng ai?
Đường phố thênh thang không hồi âm
Cành hoa trắng tỏa ngát hương
Còn vấn vương chi thêm nặng trĩu con tim
Hàng cây đứng đợi dáng xưa
Thềm đá khóc, nhớ bước chân quen
Người yêu dấu, người có nghe?
Lời trái tim ta đang thét gào vô vọng

Ngàn tiếng sóng cuồn say gọi bờ cát vắng
Ngàn tinh tú triền miên gọi niềm mơ ước
Gọi yêu dấu về đây
Lắng nghe tiếng tim ta trên phím dư âm vẫn mong chờ

Chợt nghe gió mùa lên
Tự tình tự trên tóc
Chợt nghe thoáng giọt mưa 
Thì thầm thì trên má
Tìm đâu đôi mắt yêu thương?
Tìm đâu đôi cánh tay êm?
Tìm đâu phút đầu thần tiên

Nửa đêm thức, chợt nhớ ai
Dạo phím tương tư, đêm trường canh
Nhà im vắng, buồn hắt hiu
Bàn ghế chơ vơ như tượng đá công viên
Hồn hoa cũ; đàn bướm đêm
Cùng dưới ánh sao mơ đêm xưa
Vầng trăng sáng làm chứng nhân
Lười trái tim ta đang ước nguyện âm thầm

Màn đêm xuống, màu mắt nhung
Còn ngây ngất những cơn đê mê?
Dòng ký ức chảy khắp nơi
Tình khúc đêm hồng ta đã hát trao người

Trời khuya thanh vắng, dạo phím chơi vơi
Lòng ngân nga khúc âm buồn…
%d bloggers like this: