Địa điểm Jazz: KẻJazz là một trang mạng nhạc, giống như bao nhiêu trang nhạc khác. Lại nhạc jazz, cũng giống những trang nhạc jazz khác.
Thời điểm Việt: Nhạc jazz dịch lời Việt, ít thấy trong dòng nhạc Việt Nam. Trước ’75, đa số được dịch là nhạc trẻ, ngoại trừ một vài bài như “Lá Vàng”, “Ánh Đèn Màu”, “Sầu Dĩ Vãng”, nhưng không đủ để làm nên một hiện tượng. Sau ’75, đa số dịch nhạc “pop” Mỹ, nhạc Hoa, nhạc Nhật, nhạc Hàn.
Nhạc Jazz được đa số coi như lỗi thời.
KẻJazz vin vào cái lỗi thời ấy như một thời điểm để mang đến cho các bạn một hướng khác, một dòng nhạc của thế giới đã bị bỏ rơi trong những trào lưu thịnh hành của người Việt.
• • •
NT: Ý định làm nhạc Jazz lời Việt từ đâu vậy?
LV: Vốn liếng nhạc Jazz của tôi cho đến mới gần đây chỉ có 2 bài: The Windmill of Your Mind và The Shadow of Your Smile. Tôi thật yêu mến giai điệu của 2 bài này và luôn ước ao thực hiện chúng. Từ ngày chập chững học đánh đàn cho đến nay tôi luôn chiêm ngưỡng cái cấu trúc nhạc tuyệt vời của cả 2 bài. Thành lập LeVuMusic đã khá lâu nhưng vì tiêu chỉ nhạc Việt và chủ trương không hát tiếng ngoại quốc cho nên mỗi lần nghĩ đến 2 bài trên lại đành bỏ qua. Không biết kiếm ra ai dịch nhạc cho mình đây? Cho đến một tối thâu nhạc chợt nghĩ ra bàn với bạn. Là người mê đọc sách, thích viết lách, và lại chuộng nhạc Jazz như bạn thì rõ ràng bạn là nhân tuyển thích hợp nhất để đặt bước chân đầu tiên cho chương trình nhạc Jazz lời Việt rồi.
NT: Lúc đó, tôi đề nghị lấy tên Jazz Vàng, tôi nghĩ đến chữ Da Vàng, tôi nhớ bạn hưởng ứng ngay.
LV: Jazz Vàng hay “Da Vàng”? Jazz Vàng! Golden Jazz? Có thể hiểu theo 2, 3 cách. Jazz cho người Việt da vàng nghe. Cũng là những bài nhạc jazz đã trở thành bất hủ qua thời gian. Jazz ở đây không những chỉ có hương vị có sâm banh, rượu chát của Âu Mỹ mà còn đượm mùi nước mắm, rau dưa củ kiệu….vì thực hiện bởi 2 tên Việt Nam chính cống, nói tiếng Việt giỏi hơn tiếng Mỹ.
NT: Bạn làm tôi liên tưởng đến một “vàng” khác, đó là nhạc vàng. Thật ra, nhạc vàng cũng mang rất nhiều yếu tố cùa nhạc Jazz: dễ nghe, ngắn gọn, kỹ thuật không cầu kỳ, rắc rối, ca sĩ hát sao cũng được. Nhạc Jazz giống như truyện truyền khẩu. Nhạc sến cũng “truyền khẩu” trong giới bình dân. Nhưng đây là một đề tài khác ta đã nói qua ở trang mạng LeVuMusic
LV: Có một điều cần phải khẳng định trước là Lê Vũ tôi không biết gì về jazz cả! Gọi là một trong những kẻ jazz, nhưng cho đến mới gần đây thì Lê Vũ tôi không biết gì về jazz cả! Cũng nghe nghe vậy thôi. Có bài cũng thinh thích, có bài nghe chẳng hiểu mô tê gì, nhưng tôi cũng chẳng để ý. Cũng giống như nói về rượu vang, với tôi thì rượu vang 12, 13 đô và vài trăm đô hầu như có vị gần như nhau mà thôi.
NT: Về vấn đề này, tôi không đồng ý với bạn tôi chút nào. Thẩm định rượu vang là một đề tài cho báo chí bao nhiêu năm nay. Tôi chưa thấy một khảo cứu khoa học nào, chỉ đa số là những thí nghiệm dã chiến. Tôi không nghĩ bạn có thể đem pinot noir rẻ tiền xo với Cabernet-Sauvignon đắt tiền, hoặc ngược lại, vì hai loại nho hoàn toàn khác nhau. Theo tôi nghĩ, những người sành điệu thường ít khi “tô hô” về kiến của họ. Tôi nghĩ nhạc Jazz cũng như vậy. Nhưng thôi, hãy nói về nhạc Jazz đã đến với bạn như thế nào?
LV: Những hiểu biết của tôi về loại nhạc jazz chỉ là những kiến thức “da lông” bên ngoài. Trời cho tôi máu lười cho nên tôi cũng không tìm hiểu chi cho cặn kẽ. Chủ trương của tôi là làm đến đâu thì học đến đó. Đây cũng là một hành trình kỳ thú mới lạ riêng cho chính tôi. Cũng có một phần là tôi ỷ lại vào bạn. Bạn qua trước và lại từng lăn lộn trong môi trường văn nghệ của Mỹ cho nên biết nhiều về nhạc jazz hơn tôi. Ít nhất là bạn có một kho tàng sưu tầm nhạc jazz rất đồ sộ, đáng kính nể… Vì thế bạn đưa cho tôi bài nào thì tôi nghiên cứu bài đó để làm. Mười bài đưa cho tôi thì giỏi lắm tôi biết được 2, 3.
NT: Tôi còn nhớ khoảng năm 79, 80, tôi ở với một người bạn Mỹ; anh này mê nhạc Billie Holiday. Đêm nào ngồi học bài cũng bị bắt nghe cô ca sĩ này ra rả bên tai. Nhưng mãi đến lúc một lần nằm tắm nắng ở thành phố biển Key West, bỗng nghe Billie Holiday vào giữa trưa hè nắng hực hở, tôi mới chợt rung động với cái chơi vơi của nhạc jazz. Đó là một ấn tượng đã làm thay đổi sở thích nhạc của tôi. Đó cũng là một kỷ niệm giúp tôi viết lời cho nhạc phẩm “Tình Yêu Gần Gũi” của bạn.
LV: Thuở nhỏ tôi sợ nghe nhạc jazz. Bố tôi mở nhạc jazz trong máy dĩa hát là tôi chạy trốn. Lúc đó tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại nghe được loại nhạc này. Trong tâm trí con nít của tôi ngày đó nếu không phải là nhạc kích động thì tôi không thể nào nghe lọt tai được. Giờ thì tuổi đời chồng chất tôi lại mầy mò tìm hiểu về nhạc jazz. Oái ăm thay! Như người xưa đã từng giải thích âm nhạc là một chuỗi những âm thanh theo một khuôn mẫu nào đó. Nhưng trong nhạc jazz thì cái khuôn mẫu đó lại bị phá cách, không theo “khuôn mẫu” bình thường, giống như kiếm của Lệnh Hồ Xung: “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Cho nên việc mày mò trong khu rừng nhạc jazz này thật là một thử thách cho kẻ mù mờ như tôi.
NT: Lúc tên JazzVàng đã bị mẩt, bạn đề nghị ngay KẻJazz. Mới nghe tôi tưởng bạn liên tưởng đến những dòng kẻ nhạc. Bây giờ tôi mới nghĩ ra là bạn bị lậm kiếm hiệp. Nhưng cũng rất lý thú. Nhạc Jazz chính ra là sự phối hợp của nhạc Âu cổ điển và nhạc Phi Châu của những người nô lệ. Có gì đó trong cái dung hòa của lòng phản kháng sự đàn áp và lòng yêu nhạc của kẻ đàn áp. Tình cảm rắc rối như tâm lý của Trương Vô Kỵ đối với Trương Tam Phong và Tạ Tốn, cũng như tình yêu đối với Triệu Minh và lòng yêu nước.
LV: Đã nói “phóng lao phải theo lao”, nhưng riêng tôi cũng hơi khiếp đảm với cái việc phải chèo chống trong biển nhạc Jazz bao la, bát ngát như đại dương sâu thẳm này. Mỗi bài là một thử thách, phần lớn khá là chông gai. Làm việc với bạn qua khoảng hơn chục bài nhạc Jazz tiêu biểu, tôi đã học hỏi được nhiều và nghiệm ra một điều: Tôi chẳng biết gì hết! Nhưng tôi tin tưởng một điều: Tôi không sợ trùng lấp, lập đi lập lại của ai. Cái tôi và bạn làm sẽ khác với những gì người trước đã thực hiện. Theo với tinh thần Jazz, những nghệ sĩ Jazz luôn gói ghém tính cách riêng tư biệt lập của mình vào trong những nhạc phẩm họ trình bầy. Cái nét riêng biệt đó không bắt chước được. Cho nên cái nét riêng của tôi và bạn cũng sẽ khác biệt theo lẽ tự nhiên.
NT: Tôi hy vọng những ca khúc Jazz thế giới đưa lên mạng trong tương lai sẽ được khai thác thêm bởi những người yêu nhạc
Disclaimer: KeJazz is a not-for-profit website promoting jazz music from all over the world to the Vietnamese community in Vietnam as well as abroad as a way to enrich the culture of Vietnamese music. The material on this site is solely for educational as well as cultural purposes only.
Nhạc Việt cũng có một số bài có thể chơi theo Jazz , thí dụ bản Đường Chiều của Hồng Duyệt . KJ thử xem sao . Cảm ơn KJ đã cho thưởng thức Jazz Việt , Tuyệt vời
LikeLike
Cảm ơn bạn đã cho ý kiến. Đường Chiều của Hồng Dzuyệt sẽ đến với bạn hữu trong nay mai. KJ
LikeLike