Cười Đáp Trả Thanh Xuân

• Nhạc: Ngu Yên
• Thơ: Cố Quận, của Lê Thị Huệ
• Trình bày: Nguyễn Thảo
• Đọc thơ: Đặng Ngọc Phụng
• Hòa âm & phối khí: Lý Giai Niên
• Ghi âm & Final mix: Studio LGN
• Photo & graphics: MarcMarc

Tôi có anh bạn sống đời khá giả.  Anh gửi con đi học piano.  Một lần họp bạn bè tại tư gia, sau bữa ăn tối thịnh soạn, anh mời mọi người ngồi quanh cây đàn để thưởng thức tiếng đàn của con mình.  Đứa bé tuy nhỏ tuổi nhưng tỏ ra có năng khiếu về nhạc.  Tôi mê man thưởng thức tiếng đàn như mưa rơi gió cuốn trong bản Fantasie Impromtu, như ánh trăng dịu dàng trong Moonlight Sonata… Cho đến khi tiếng đàn đổi qua khúc Fur Elise, tôi nghe anh bạn tôi lên tiếng, “Bài này mới hay nè.  Nãy giờ nghe đàn mà buồn ngủ muốn chết.”

Nhạc ru ngủ.  Tôi nghe cụm chữ này từ thời còn nhỏ.  Nhưng chúng mang một ý khác trong thời chiến tranh.  Nhạc phản chiến là loại nhạc ru ngủ, làm nản lòng các chiến sĩ ngày đêm ngoài trận tuyến.

Nhưng tôi nghĩ, những ca khúc vay mượn những óng ả của giai điệu quen tai cũng như từ ngữ đã được dùng quá nhiều, đã trở thành cliché, là một loại ru ngủ khác.  Ru ngủ văn hóa.  Văn hóa ngủ thì không thể năng động tiến tới tương lai, không thể theo kịp văn hóa thế giới.

Cố Quận là bài thơ của Lê Thị Huệ, được Ngu Yên phổ nhạc năm 1998.  Tôi ghi âm  và phát hành trong cuốn CD Bóng Nắng Khuya năm 2001.

Nhiều người nghe xong đã phản đối, “Nhạc gì mà nói năng thô cộc; câu ‘thử vất cảm xúc vào thùng rác’ nghe thật chướng tai.”

Tôi bảo, “Âm nhạc đâu phải lúc nào cũng để ru ngủ đâu.  Các bạn cứ thử quăng cái định kiến đó vô thùng rác rồi xem sao.”

Khi tôi hát ca khúc này, tôi chỉ cảm đôi cánh thiên thần mở rộng, và gió thì lồng lộng thổi.  Tôi đã bay thật cao…

Nguyễn Thảo, 04/2023

Cười Đáp Trả Thanh Xuân

Đứng ngã tư đường
Nhai mẩu bánh mì
Chung quanh, một bầy đàn ông âu yếm hôn nhau

Tôi no nê cánh gió thiên thần
Đáp xuống trần gian tục lụy
Đứng trước hiên nhà bơ vơ

Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Đi, đi như mọi người

Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Thử vất cảm xúc vào thùng rác
Tôi nhủ lòng
Thôi không viết bài thơ

Bây giờ đứng lừa đuổi chiều cố quận
Lòng rưng rưng
Nắm tay cùng thanh xuân đi qua phố hoa đèn
Ôm sợi tóc xước thời gian
Tôi thả thời gian lùa mái tóc theo gió
Bay theo ngập ngừng đêm tối

Tôi vớt vội nụ tình hồng dễ thương chân thật nở quỳnh hương
Nhưng bất ngờ
Giữa dòng thời gian vội vã
Có người đàn bà lỡ thì rên xiết
Khi cười đáp trả thanh xuân

Đứng trước hiên nhà
Đau đớn hoan lạc
Tôi nhủ lòng…

Thử vất cảm xúc vào thùng rác…
Thử vất cảm xúc vào thùng rác…

Em Chị

• Nhạc & lời: Ngu Yên
• Trình bày:  Nguyễn Thảo
• Hòa âm & phối khí: Lý Giai Niên
• Ghi âm & final mix: Studio LGN
• Photo & graphics: MarcMarc

Em Chị là một ca khúc tôi thích hát nghêu ngao mỗi khi thấy lòng buồn bã. Nhất là những buổi chiều mây xám như phết tro trên trời. Tôi thường nhớ lại Nha Trang và nhớ một người chị, như một người ngồi học dưới đèn đường nhìn lên cửa sổ nhà ai, thấy ai, thấy quen, rồi thương nhớ mơ mòng. Rồi người học trò đi học xa, rời bỏ thành phố. Bỗng dưng có ý nghĩ, chị ấy sẽ nhớ đến mình, sẽ buồn, sẽ chờ đợi, dù chưa quen. Và bài hát bắt đầu từ: “Mai em đi theo gió cho chị buồn trằn trọc đêm khuya…. Em xa rồi chị biết thương ai…” Cái tưởng tượng thật ghê gớm. Nó bắt ép người chị phải yêu thương dù không biết đang yêu ai: “Em mang theo đôi mắt cho chị nhìn cuộc đời âm u. Em mang theo câu hát cho chị chờ nghẹn ngào tháng ngày…”  Rồi bài hát lai vãng một thời gian khá lâu, cho đến khi tôi quen biết hai người bạn gái, hai nghệ sĩ đáng yêu, mối tình họ yêu nhau khiến tôi suy nghĩ, chạnh lòng, phần điệp khúc ra đời với ẩn dụ cành hoa gãy sau vườn nhà. Nơi nhà thơ Cao Đông Khánh đeo đuổi một trong hai cô bạn mà không biết cô không yêu đàn ông. Lẽ ra, tôi nên viết cái tát tai từ chối vào bài nhạc nhưng e rằng vẻ lãng mạn sẽ bỏ đi nên chọn cành hoa gãy viết thế. Tôi viết câu nhạc này cho Khánh: “Rồi mai này khi cành hoa gãy, em phương xa có giữ kỷ niệm, một mùi hương quen… Đêm xa nhau, còn giọt nước mắt, lau vội vã, quay lưng…

Giờ đây, Khánh đã qua đời khá lâu, hai người bạn gái biệt tích, mấy mươi năm rồi, chỉ còn bài hát để nghêu ngao mỗi khi nhớ lại một thời. Một trong số hiểm họa làm người là tính lãng mạn, tuy nhiên, nó mang lại những niềm vui cuồng nhiệt của những ngày phù phiếm. Sau đó, thỉnh thoảng nó quay trở về, mang theo chút êm đềm, cảm động, tiêng tiếc, “ Bao lâu em không đến, đau lòng chị hát, con tim vụt bay, theo gió…”

Chuyện ngồi học dưới cột đèn đã hơn 50 năm. Chuyện của Khánh của hai em đã hơn 20 năm. Chuyện bây giờ ngồi viết, hát lẩm nhẩm, kéo dài 70 năm. Đời người thật khô cằn nếu không có lãng mạn.

Ngu Yên

Em Chị

Mai em đi theo gió 
Cho chị buồn trằn trọc đêm khuya
Mai em đi theo nắng
Cho chị chờ vàng vọt nắng về
Mai em đi theo mây
Mây theo mưa
Ướt tóc chị đứng chờ mưa
Em xa rồi, chị biết thương ai?

Em mang theo đôi mắt
Cho chị nhìn cuộc đời âm u
Em mang theo câu hát
Cho chị chờ nghẹn ngào tháng ngày
Em mang em đi mất
Quên ngày vui cũ
Quên người mong nhớ giữa xuân phai…

Vườn sau nhà có cành hoa nở
Ngày em đi, hoa héo đưa người
Chị hái vào giấu trong giấc mơ
Hoa thao thức, giấc mơ phai

Rồi mai này, khi cành hoa gãy
Em phương xa có giữ kỷ niệm
Một mùi hương quen?

Đêm xa nhau, còn giọt nước mắt
Lau vội vã quay lưng

Bao lâu em theo nắng
Cho đời chị nhạt nhòa mưa rơi
Bao lâu em xa vắng
Cho tình chị dần dà héo mòn
Bao lâu em không đến
Đau lòng chị hát, con tim vụt bay theo gió
Bao lâu em không đến
Đau lòng chị hát
Đêm đêm chị hát
Tiếng hát vụt lên như khóc…
%d bloggers like this: