Nhạc: Ray Henderson Lời: Lew Brown Lời Việt: Dục Trình bày: Ngô Nhật Trường Hòa âm & phối khí: Lê Vũ Ghi âm: Phòng Thâu NNT Final mix: LeVuMusic Studio Photo & Graphics: Ngô Nhật Trường
LV: Lúc đầu bạn nói tôi thực hiện The Thrill Is Gone tôi ngại quá. Sau khi nghe B.B. King hát và đàn bài nhạc blues này tôi “ớn” không dám làm. Nhạc phẩm blues kinh điển này tập chung chủ yếu ở chỗ improvisation blues guitar, hát chỉ có vài câu thôi. Nghe những bậc thầy blues như BBK và Eric Clapton đánh rồi nên chẳng dám làm gì hết.
Nhưng sau bạn lại cho tôi biết là có một bài khác cũng cùng tên do Chet Baker hát. Tôi thích CB nên cũng tò mò nghe thử thì mới cho rằng bài này có thể thực hiện được vì nó không đòi hỏi cách đàn guitar kiểu đó. Mừng quá! Vì lời dịch bài này được anh Dục gửi cho KJ đã khá lâu mà cứ bị bỏ xó. Lại mừng thêm nữa là Ngô Nhật Trường đồng ý hát ngay vì anh nghe nhạc CB hầu như mỗi ngày. Thế là bài được hoàn tất chóng vánh. Nét nhạc bài của CB hoàn toàn khác với bài của BBK. Nỗi đau ở đây từ trong phong cách jazz như âm ỉ, như thầm lặng khác với nỗi đau đay nghiến, cuồng nộ trong phong cách blues.
NT: Đây là một bài nhạc jazz kinh điển mà như bạn nói, tôi đã từng say mê khi nghe Chet Baker với giọng hát thật đậm đặc cá tánh. Phải cám ơn anh Dục đã cống hiến một phiển bản dịch thật tuyệt.
Nói về nhạc dịch, mới đây tôi nằm nghiền ngẫm bài viết của anh Ngu Yên về thơ dịch. Tôi xin phép anh NY để trích lại dưới đây một đoạn từ trong tập Tôi Học Được Bí Mật Của U Sầu, dịch thơ Federico Garcia Lorca của anh Ngu Yên. Tuy ở đây anh nói về thơ, nhưng nếu bạn thế “âm nhạc” vào chỗ “thi ca” và “ca khúc” thay vì “thơ”, quan niệm về thưởng thức nhạc dịch thật chẳng khác gì với thơ dịch.
Thơ Dịch, Người Khách Lạ Khó Tính, Nhưng Dễ Chịu Khi Đã Quen Ngu Yên So với sự phát triển văn chương thế giới, văn chương người Việt có khoảng cách khá xa. Về dịch thuật, vẫn còn trong quan niệm truyền thống, những truyền thống, những học thuyết dịch mới về sau trong thời Hậu Hiện Đại và đương đại, ít người quan tâm. Những khoảng cách này tạo cho đa số người đọc “xa lạ” với văn chương toàn cầu, không chia sẻ được những phong thái truyền đạt tân kỳ. Riêng về dịch, nếu không theo lề lối dịch truyền thống, người đọc khó hưởng ứng, như ăn spaghetti đen ở Venice. Làm sao spaghetti có thể giống bún xào khô? Ngày nay, số lượng người Việt đọc thơ Việt đã ít, huống chi đọc thơ dịch. Trong số lượng ít ỏi đó, nhóm người có sở thích đọc thơ trí tuệ càng ít hơn nữa. Như cuối mùa thu, được bao nhiêu lá xanh. Quan niệm về thơ của đa số người Việt đã lỗi thời. Sở thích đọc thơ của người Việt dừng lại thời Lãng Mạn. Vì vậy, khi đọc thơ Việt cập nhật, họ còn cảm thấy xa lạ, nói chi đến đọc thơ ngoại. Phải chăng những thi sĩ nổi tiếng thế giới không biết làm thơ? Người Việt: Đa số người đọc thơ bình thường tìm đến thơ như cách giải trí, hưởng thụ một cách dễ dãi. Đọc xong, muốn hiểu liền. Không cần phải động não. Nhất là, những người đọc chỉ tìm cảm xúc. Muốn nghe lòng mình rung động. Tình cảm xôn xao hoặc cảm kích. Tìm lại kỷ niệm xưa. Tìm sự đồng điệu. Lập luận của họ: Đọc thơ thấy hay, thấy thích là được rồi. Như vậy, không có gì sai. Đúng nữa là khác. Đúng mà thiếu, thiếu nhiều. Người Việt: Đa số người đọc thơ, thích thơ vần điệu hoặc nếu không vần thì phải êm ả, chải chuốt. Thơ Việt đa số mang tinh thần này vì từ đời Hán học, bị ảnh hưởng thơ Đường, thơ Hán. Qua thời Thơ Mới bị ảnh hưởng bởi thơ Lãng Mạn, Tượng Trưng và Biểu Tượng của Pháp. Chủ yếu những loại thơ này trọng sự chải chuốt cho lộng lẫy và quí phái như thơ Đường và ủy mị than trách như dòng thơ Lãng Mạn Pháp. Do đó cần nhiều tĩnh từ. Nhiệm vụ của tĩnh từ trong thơ Việt làm cho thơ “bay bướm”, dễ gây cảm xúc. Tĩnh từ, bổ túc từ, liên từ làm cho câu thơ mượt mà, êm ả, trơn tru. Ngay cả thể thơ Lục Bát truyền thống của người Việt, mang bản chất “hiền hòa”. Với những âm thanh bằng trắc và yêu vận, cước vận đã đóng khuôn bài thơ, câu thơ vào nhạc điệu êm đềm, tròn trịa. Cho nên khi diễn tả về chiến tranh, cho dù là ngòi bút của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều, cũng chỉ thấy đẹp mà không thấy máu lửa. Với kinh nghiệm và thói quen như vậy, khi tiếp cận những loại thơ không vần, không điệu, người đọc có cảm giác “không phải thơ”. Khi đọc những bài thơ “khô”, thiếu vắng tĩnh từ, người đọc cảm thấy “khó cảm”. Những bài thơ cô đọng, súc tích, ví dụ như thơ Hài Cú, lập tức trở thành khó hiểu. Người Việt đọc thơ, đa số chú trọng tình tiết, câu chuyện, nhất là tâm sự của tác giả. Nếu gặp những bài thơ gói ghém suy tư, hoặc những cảm nghiệm nhân sinh, người đọc bình thường cho rằng thơ khó cảm, cần giải mã. Nếu gặp những bài thơ ngoại sử dụng ngôn ngữ bình thường, sẽ cảm thấy thiếu mỹ cảm, không trang trọng đủ để gọi là thơ. Sự khác biệt văn hóa cộng thêm trình độ hiểu biết giới hạn về thơ thế giới, người Việt khó thưởng thức thơ dịch. Phong trào người Việt đi du lịch ngoại quốc nở rộ từ đầu thế kỷ 21. Hành trang vui chơi và tìm hiểu thế giới vẫn mang theo mì gói và cơm sấy, có khi, một chai nước mắm nhỏ và tương ớt con gà. Tìm hiểu văn hóa ngoại quốc bằng chụp hình với những danh lam thắng cảnh, bảo tàng, tượng hình nổi tiếng rồi chưng bày lên Facebook hoặc emails. Thơ dịch là những món ăn kỳ lạ, không vừa miệng, cho đa số người Việt du lịch, huống chi người Việt ở quê nhà. Nhưng nếu bạn du lịch thường xuyên, tập ăn và có kinh nghiệm làm quen với các món ăn nổi tiếng của thế giới. Sau một thời gian, thơ dịch sẽ mang đến cho bạn sự thú vị bởi những tứ thơ khác thường. Mang đến cho bạn những tưởng tượng, khiến cho đời sống phong phú và khoái trá mà bạn không thề biết cho đến khi đọc thơ dịch. Khi đã chấp nhận những giới hạn trong thơ dịch,và những khó khăn của dịch thơ, người đọc sẽ không tìm kiếm bài thơ theo phong cách Việt, hoặc một bài thơ hoàn hảo theo quan niệm riêng, mà xuyên qua ngôn ngữ “tương đương” tìm kiếm những suy tư và lối sống, những điều hay, vẻ đẹp của dòng văn chương thuộc dân tộc khác. Đọc thơ dịch cảm thấy không hay vì trong lòng người đọc còn quá nhiều âm điệu và niềm tin về thi ca Việt. Nhưng cùng một lúc, không thể đạt hết những hay đẹp của thơ bản gốc vì dịch, nói sao đi nữa, vẫn là lời nói dối dễ thương.
Xao xuyến dần phai. Xao xuyến dần phai. Ta đã thoáng thấy trong mắt em. Ta nghe thoáng thấy tiếng thở dài. Hai tay nắm đã buông cài Tình đó rồi tan. Đêm đen lạnh căm, Khi không còn yêu, Tình vừa chớm, tình đó tuyệt vời, Bầu trời xanh xanh, chim hót mừng, Giờ tình đó thấy đang phai tàn. Đã hết thật đó Là lúc ly tán, Sao em vờ yêu Cho mối tình mỏi mòn thêm? Tình đã phai tàn, Tình đã phai tàn.
The Thrill is Gone
The thrill is gone. The thrill is gone. I can see it in your eyes. I can hear it in your sighs. Feel your touch and realize The thrill is gone. The nights are cold, For love is old. Love was grand when love was new. Birds were singin’ and skies were blue. Now it don’t appeal to you; The thrill is gone. This is the end. So why pretend And let it linger on? The thrill is gone. The thrill is gone.
Hoà âm nhạc đệm rất hay. Thích nhất đoạn solo tiếng guitar nghe ray rứt và “thấm” quá đi Lê Vũ! Giọng hát Ngô Nhật Trường nhẹ nhàng buồn buồn, như lời dịch của Dục.
Cám ơn Nguyễn Thảo cho đọc bài viết về thơ dịch của thi sĩ Ngu Yên. Bài viết của anh NY luôn thú vị và sâu sắc như thơ của anh ấy.
Và dĩ nhiên, rất thích đọc lời đối thoại giữa Lê Vũ và Nguyễn Thảo về bản nhạc. Thanks Kẻ Jazz!
LikeLike
Cám ơn chị LTH. Chị thật là một độc/thính giả đáng yêu đáng quí. Chị chăm chút từng ly từng tí từ hoà âm đến ca từ đến ca sĩ. KeJazz chân thành cảm ơn tấm thịnh tình của chị.
LikeLike
Không tìm ra chỗ nào để chê, dù nghe đi nghe lại năm lần. Gần như viên mãn. Chúc mừng các nghệ sĩ.
Ngô Nhật Trường diễn cảm bài hát quá sắc thái, màu buồn, màu mê., và nhiều màu hơn bản gốc. Hoan hô ca sĩ.
Ngu Yên
LikeLike