Ru Khúc Đêm Đông

Nhạc & lời: Nhạc cổ truyền Anh
Lời Việt: Nguyễn Thảo
Trình bày: Lê Vũ & Nguyễn Thảo
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Ghi âm: Eleven-Sixteen Soundscape & LeVuMusic Studio
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo: Bích họa tại St. Joseph's Oratory, Montreal, CAN
Graphics: MarcMarc

NT:  Trong một bài báo về nhạc Giáng Sinh, tác giả đã viết rằng: Nếu bạn có dự định làm cho khách khứa thất đảm kinh hồn trong buổi tiệc ngày lễ, bạn chỉ cần chêm bài nhạc Coventry Carol vào giữa sưu tập nhạc của bạn.

Tôi nghe câu chuyện có vẻ mang nhiều chi tiết thú vị.    

Bài nhạc này viết vào khoảng thập niên 1530, nói về những đứa trẻ bị giết chết dưới thời vua Herod theo lời trong Thánh Kinh, quyển Gospel của Matthew.  Tục truyền rằng khi vua Herod nghe nguồn tin đồn từ Ba Vua về một vì vua sắp ra đời, và sẽ trở thành vua của người Do Thái, ông đã cho quân đi lùng bắt và giết tất cả những đứa bé trai từ sơ sinh đến 2 tuổi trong cổ thành Bethlehem.

Ca khúc là lời than khóc của những người cha mẹ trong cuộc thảm sát đẫm máu này.

Bằng âm giai thứ, bài nhạc mang một nét u buồn ảm đạm, với lời ca chia ra thành những nhóm hai và ba chữ không cân bằng, như nhắc chừng một nguy biến đang ẩn nấp đâu đó. Kết thúc của những đoạn trong bài nhạc đôi lúc đổi qua trưởng như khơi mào một bùng nổ của cảm xúc.

Điều quái lạ là vì đâu mà ca khúc bi thương này lại trở thành một bài nhạc Giáng Sinh?

Ca khúc viết từ thế kỷ 16 là một phần trong những vở nhạc kịch rất thịnh hành thời Trung Cổ, thường kể lại những tuồng tích trong Thánh Kinh.  Ở bên Anh Quốc, những vở nhạc kịch này được dựng lên trong buổi lễ Corpus Christi vào giữa mùa hè.  Trong bầu không khí nóng nực, khán thính giả dự lễ hội thường nhậu nhẹt say sưa, và chuyện giết trẻ của vua Herod hầu như không mấy thảm sầu như ta nghĩ.

Rồi trong thời Vương Tộc Tudor, dưới ảnh hưởng mạnh của Tin Lành (Protestanism), những vở kịch về Thiên Chúa Giáo (Catholicism) bị cấm đoán, và bài nhạc Coventry Carol cũng biến mất vào quên lãng.

Vào Đệ Nhị Thế Chiến, nhân ngày Giáng Sinh năm 1940, giữa cảnh hoang tàn đổ nát của Thánh Đường Coventry bị người Đức dội bom, bài ca Coventry Carol đã được hát lên.  Nhưng lần này, ca khúc lại khơi đúng cảm xúc u buồn từ sự đẩm máu của chiến cuộc.  Buổi nhạc này đã được phát thanh trên đài BBC.

Có lẽ từ đó, Coventry Carol vẫn thỉnh thoảng xuất hiện vào dịp lễ mừng Chúa Jesus ra đời.

LV: Đúng như vậy, đây là lần đầu tiên tôi được nghe bài nhạc Giáng Sinh lạ lùng này. Nét nhạc bi thống của bài khiến cho tôi hồi tưởng đến bài Exodus và tình cảnh thê thảm của ngày Tết Mậu Thân năm nào. Mặc dù bạn đã gợi ý khi gửi cho tôi phiên bản của Sting. Sting đã cải biến hòa âm cho thành ra vẻ nhạc Giáng Sinh truyền thống, nhưng tôi thì lại thấy thu hút bởi phong cách bi tráng của phiên bản do Lennox trình bày. Vì thế nên hoà âm cho bài Giáng Sinh lần này mang dáng vẻ trầm trọng, dữ dội khác hẳn những nhạc Giáng Sinh êm dịu, mùi mẫn. Giữa tôi và bạn, tôi lập nên 5 giọng vừa chính vừa bè kèm với tiếng timpani để dựng nên đoạn hát giữa lúc nói về việc truy diệt trẻ thơ… Một Ru Khúc Đêm Đông khác thường.

Ru Khúc Đêm Đông

Im ngoan ngủ say nhé em thơ ngây
Ngủ say yên giấc đêm này.
Giữa cơn chiêm bao nở thêm nụ cười.
Xin bình an đến muôn người. 

Đâu riêng mình ta lắng lo, suy tư,
Lòng như trăm mối ưu phiền.
Trẻ thơ say trong tiếng ru đêm nay,
Hay lời ai khóc biệt ly?

Than ôi, từ khi đế vương hay tin
Hài nhi Thiên Chúa ra đời.
Thánh chỉ ban truyền, trẻ thơ truy diệt.
Trần gian một chốn đọa đày.

Oan khiên lòng đau, bé thơ vô tội,
Lời ta than khóc âm thầm.
Phút giây ly biệt, chẳng nói lên một lời.
Từ nay xa cách muôn đời.

Xin cho ngàn sao sáng soi đêm dài
Đường em đi đến thiên đàng.
Mãi tươi nụ cười, hỡi em thơ ngây,
Trong lời ru giấc mùa Đông.

Coventry Carol

Lullay, thou little tyne child
Sleep well, lully, lullay
And smile in dreaming, little one
Sleep well, lully, lullay

Oh sisters too, how may we do
For to preserve this day
This por yongling for whom we singe
Farewell, lully, lullay

Herod, the king, in his raging
Chargèd he hath this day
His men of might in his owne sight
All young children to slay

Then woe is me, poor child, for thee
And ever mourn and say
For thy parting, neither say nor sing
Bye bye, lully, lullay

And when the stars fill darkened skies
In their far venture, stay
And smile as dreaming, little one
Farewell, lully, lullay
Dream now, lully, lullay

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: