Từ Hay Hát Đến Hát Hay

Phiếm Luận, Phần 1

Ngu Yên

1.

“Hát hay không bằng hay hát.” Câu nói này của người Việt, không hiểu là khen thưởng hay khuyến khích hoặc nói cho vừa lòng nhau. Tuy nhiên, người nghe câu nói này, thường cảm thấy sung sướng. Đời sống, có người thành công trong thực tế, có người thành công trong giấc mơ. Bạn tôi nói, đêm qua, tao thấy tao hát trên sân khấu Thúy Nga lộng lẫy, đã quá trời. Hay hát đến độ nhập tâm, đang ngủ cũng hát, là một trạng thái hạnh phúc, tối thiểu là hạnh phúc chiêm bao. Bất kỳ loại hạnh phúc nào cũng cần thiết cho kiếp người.

Ngày xưa, tôi nghe nói, mỗi người Việt là mỗi thi sĩ. Không biết đúng hoặc sai. Nhưng ngày nay, chúng ta có thể nói, mỗi người Việt là mỗi ca sĩ. Từ đầu thập niên 1990, phong trào Karaoke bùng nổ, dậy sóng trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tức là khoảng 15 năm sau khi dàn nhạc Karaoke ra đời, (1975), do nhà kinh doanh Roberto Del Rosario người Phi Luật Tân đầu tư vào thị trường giải trí. Tiền thân là bộ máy “8 Juke” do Daisuke Inoue thiết kế, một nhạc sĩ người Nhật. Trước nữa, bắt nguồn từ chương trình truyền hình “Sing Along With Mitch” (Hát với Mitch.)

Tưng bừng, hầu hết nhà nào cũng sắm một bộ máy Karaoke để giải trí và mộng mơ suốt tuần, Ngày thường thì mơ một mình. Cuối tuần, tập trung, mơ chung. Bộ máy trở thành một thứ gì đại diện cho mức độ văn minh, khả năng hội nhập nền văn hóa mới. Những người tị nạn, di dân, di trú mới vào Hoa Kỳ, còn ướt chưa ráo. Còn vàng vàng ngã màu xám xám, chưa có hào quang. Không nhiều thì ít, Karaoke đã làm cho dân ta phấn khởi, hòa hợp, hơn là viết báo, rải truyền đơn chửi bới nhau trong giới tranh giành quyền lực chính trị và giới chen lấn kinh doanh. Giới ca hát hòa bình và khen nhau hát hay rối rít. Ai cũng vui, cho dù tận thâm tâm, một số người nhìn nhận mình hát dở. Nhưng không sao: Hát hay không bằng hay hát.

Người hay hát luôn luôn kỳ vọng, mình sẽ hát hay hơn. Chẳng phải đây là một điều cần thiết cho tâm lý? Bất kỳ là hy vọng gì, cũng sẽ làm sân cỏ trước nhà  xanh hơn hôm qua, Người nào trời sinh đã có giọng hát tốt, đã từng hát đó đây, hát trong nhà thờ, nhà chùa, đền bà Chúa, hát sinh nhật, hát đám cưới, lúc này, có thêm Karaoke, như diều gặp gió, như cá sấu mọc thêm răng, như trẻ em được bồng lên cao giữa đám đông cho mọi người thấy mặt. Chẳng phải đây là chuyện vui vẻ, may mắn, mà không phải ai muốn cũng được?

Nếu muốn, cũng có thể được. Vì Karaoke có nghĩa chính thức như thế nào, tôi không rõ, nhưng nghĩa Việt thì tôi biết: “Ca ra, ô kê.” Hát ra là nghe được liền như mì gói nhúng nước sôi. Nhưng nghĩa thâm thúy hơn: Cứ ca nhiều sẽ thành ca sĩ. Phong trào Karaoke thịnh hành ngoài nước, trong nước từ đó đến nay, ngót đã hơn 30 năm. Được luyện tập lâu dài như vậy, đó là lý do chúng ta nghe, mỗi người Việt là mỗi ca sĩ. Cho dù không ai nghe, chúng ta cũng có thể nói như các nhà thơ chán đời: viết không cần ai đọc.

Nhớ lại những dàn Karaoke thuở ban đầu, tôi cũng phải khâm phục khả năng sáng kiến của một số người. Lúc đó, đa số người mình tuy thiếu tiền nhưng dư công. Có anh, bỏ giờ ra cưa đục, tự quấn dây đồng, làm thành những bộ loa nặng nề, sơn đen láng bóng, trông ác liệt. Bắt ít đèn nháy sau màn lưới ở mặt loa, hiện đại, âm u, Tuy âm thanh hơi rền nhưng đối với chúng tôi có tai nghe tiếng động, tiếng súng, tiếng xe, tiếng đại bác, thì tiếng rên rền ra vẻ có echo tự nhiên, đã là quá hay. Vài người rán làm overtime để dư tiền, đặt anh làm vài bộ loa tương tựa.

Nhưng tôi rất thích thú một anh bạn khác, không mất nhiều sức lao động. Đã ra Radio Shack mua cả trăm chiếc loa nhỏ, rẻ tiền, không có hộp. Khắp nhà anh, bất kỳ một nơi nào có thể che giấu, anh sẽ đặt một cái loa hoang dại vào đó. Chạy dây dưới thảm, leo lên trong tường, chui ra ẩn núp rồi gắn vào loa một cách bí mật. Tôi gọi là loa nằm vùng, vì không thể biết chúng ở đâu. Khi hát lên, toàn nhà, từ bếp, phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, …. đồng loạt lên tiếng. Tất nhiên là không ô kê tuyệt đối vì loa dở, nhưng tương đối và đáng khâm phục. Khi đèn màu bật lên, khi đèn tím làm hàm răng trắng toát, thì xập xình không thua gì phòng trà. Tôi không nghĩ, vợ con anh có thể tìm một nơi nào ẩn núp mà tiếng hát  không thể tìm đến. Nhất là những khách đi họp hát, thường trốn vào phòng vệ sinh hay ra ngoài hiên hút thuốc để tránh nghe ai đó đến phiên lên sân khấu. Họ đã lầm, dù tị nạn nơi nào vẫn không thể thoát được tiếng loa nằm vùng. Các anh bạn đó đều là những tay chuyên luyện, chuyên nghiệp Karaoke.

Nói đến việc tập hát Karaoke, tôi nghĩ, có lẽ không có công việc gì mà một số lớn người Việt có thể tự nguyện tập luyện hăng say như vậy. Thời giờ dùng để tập hát, có lẽ, ngang ngửa với thời giờ xem phim bộ. Say mê. Tưởng tượng. Đi làm về, bật máy lên hát. Ngủ dậy, vừa thay đồ vừa hát lập đi lập lại kẻo quên giai điệu. Tắm hát. Lái xe hát. Vào sở làm, hát lén. Ăn trưa ngồi một mình, hát lẩm bẩm. Tôi có một anh bạn, ngày thường cũng như cuối tuần, ngoài những lúc đi họp hát, lúc nào cũng thấy anh ngồi thẳng thóm nơi ghế sa lông dài, nhìn chăm chăm vào máy truyền hình, miệng hát và tự làm duyên một mình, tay đưa lên diễn tả như đang đứng trên sân khấu. Vợ anh ta than phiền, Ổng không làm gì hết. Tối ngày ngồi một chỗ hát đến nỗi lủng luôn ghế da. Năm xưa, vợ chờ chồng đi chinh chiến đến nỗi hóa đá. Nay, vợ chờ chồng ca hát, lạnh lẽo gối giường. Khuya khoắt mới chịu vào ngủ. Bạn tôi đến nay đã thành ca sĩ đối với một số thân hữu có giới hạn.

Xin mời các bạn đón đọc Từ Hay Hát Đến Hát Hay, Phần 2 và 3, của Ngu Yên
Ngu Yên là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã in như Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh, Tựa Đề Ở Bên Trong, Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh, Thơ Bạc Tóc, v.v…, là dịch giả của nhiều thi phẩm như Hoa Diên Vĩ Hoang Dại của Louise Gluck, Tôi Không Biết của Wislawa Szymborska, Federico Garcia Lorca.  Anh cũng là một nhà nghiên cứu và phê bình với nhiều tác phẩm về sáng tác truyện, dịch thơ và nhạc như Ý Thức và Dịch Thuật, Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn, Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, v.v… phát hành qua Amazon.
Ngoài ra, anh là một nhạc sĩ với những CD như Bóng Nắng Khuya, Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai (Nguyễn Thảo) và Hát Không Dám Buồn (Julie)

%d bloggers like this: