Từ Hay Hát Đến Hát Hay

Phiếm Luận, Phần 2 & 3

Ngu Yên

2.

Karaoke gồm có hai phần: Ca ra thuộc về hát. Ô kê thuộc về nghe.

Khi buồn, người khóc; khi vui, người cười; khi giận, người la; khi muốn, người nói. Như vậy, hát là khi nào?

Nếu nói có mục đích chính là chuyển ý nghĩ của mình đến người nghe, thì hát có mục đích truyền đạt và chia sẻ cảm xúc của mình. Dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay người hát cho nhau nghe đều giống nhau ở căn bản chia sẻ cảm xúc qua ca từ và cách diễn đạt vẻ đẹp điều hay của ca khúc. Nói một cách kỹ thuật, hát là truyền đạt ý nghĩa của bài nhạc và hỗ tương cảm xúc giữa người hát và người nghe. Hỗ tương, có nghĩa bánh đúc trao đi bánh chì trao lại. Như vậy, trước hết, đối với người hát tài tử, hát khi có cảm xúc. Hoặc hát khi tạo ra cảm xúc. Hai việc này xảy ra cùng một lúc. Hát khi muốn giao tiếp cảm xúc, trước khi muốn những thứ khác. (Thông thường, khi muốn biểu diễn với khán giả, cảm xúc sẽ bỏ chạy, hoặc thụt lui, đứng sau người hát.)  Sau đó, mới đến việc giải trí và thuyết phục người nghe. Đứng chót là làm le, tự hào về tiếng hát, nghĩ rằng, có cơ hội vượt thời gian. Tiếc rằng, nhiều người hát đã mang tiết mục đứng chót lên hàng đầu. Dưới áp suất của hoang tưởng khiến cho những lời khen của bạn bè, hàng xóm, người thân, người đeo đuổi ái tình, trở thành những lời chấm điểm của các bậc chuyên môn âm nhạc trong chương trình American Idols. Phải cẩn thận đừng để ưu điểm của Karaoke trở thành khuyết điểm. Trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và hát miễn phí dù hay hơn ca sĩ là hai chuyện khác nhau, có nhiều chi tiết khác nhau, tương tựa như cũng là vợ, nhưng vợ lớn và vợ bé khác nhau, cho dù vợ này có thể đẹp hơn vợ kia.

Ca sĩ chuyên nghiệp thông thường rất nhạy cảm, bộc phát tâm tình một cách tự nhiên mỗi khi họ hát, cho dù một bài hát đã hát rất nhiều lần, mỗi lần mỗi khung cảnh, mỗi tâm tình, vì vậy, cùng một bài hát có khi họ hát hay hơn ở nơi này mà kém hơn ở nơi khác. Mức độ truyền đạt ý nghĩa và khả năng giao tiếp của cảm xúc tạo ra hiệu quả khác nhau. Hoặc thay vì tạo ra cảm xúc, họ có khả năng giả cảm xúc. Tùy mức độ và tài năng giả mà người nghe có thể chia sẻ cảm xúc của người hát hay không. Tệ nhất, là giả ướt át, nức nở, như quẹt dầu cay lên mắt để ứa lệ khi ngân nga: Nỗi buồn ai hay, khi mình chia tay, xa cách nhau rồi…

Có một số bậc thang nghệ thuật và chi tiết kỹ thuật để thẩm định một người hát hay hoặc hát với điểm khuyến khích. Điểm căn cứ đầu tiên là cảm xúc và truyền đạt: Người hát có “delivery” ca khúc đến người nghe hay không? Từ “delivery” không có chữ tương đương đúng nghĩa trong tiếng Việt. Tạm gọi là “phân phối giao hàng bày tỏ” với khán giả. Nhưng đúng hơn, tuy khó nghe, tuy chưa quen, tuy góc cạnh, đó là định nghĩa trong trường hợp hát: “delivery” là sinh đẻ. Người hát có sinh ra ca khúc cho người nghe hay không? Sinh ra? Nghĩa là mỗi lần hát là mỗi “em bé” có thân xác và linh hồn riêng biệt. Dù hát một ca khúc nhiều lần không có nghĩa cứ đẻ đi đẻ lại một em bé giống nhau y hệt. Tôi đề nghị nếu bạn nào muốn tìm hiểu rõ hơn, mời đọc bộ sách của Royal Stanton, MA đại học California, Los Angeles, với hơn 40 năm dạy thanh nhạc từ cổ điển đến pop, rock, jazz … Bạn sẽ lưu ý: Hát là sáng tạo một ca khúc quen thuộc thành một ca khúc riêng tư và độc đáo. (Delivery = sinh ra = sáng tạo.)

Mỗi người lại có mỗi giọng hát khác nhau, từ bẩm sinh. Phần luyện tập sẽ làm cho điêu luyện hơn, kỹ thuật hơn, chính xác hơn, hài lòng hơn … nhưng cây cam sẽ ra trái cam, cây khế sẽ ra trái khế. Cây xoài không thể mọc trái ổi, dù cố treo trái ổi lên gió sẽ thổi rụng. Tuy nhiên, trái cam có thể làm cho ngọt hơn, trái khế lớn hơn, trái xoài thơm hơn … Hát là đưa khí từ bụng (đan điền) lên phổi qua dàn nếp nhăn ở  thanh quản rồi mới được lưỡi, răng và môi công suất ra ngoài. Đừng tưởng răng không quan trọng. Thử lấy hàm răng giả ra, âm thanh hát thiếu màn chắn hỗ trợ, phát âm sẽ nghe nhiểu nhảo. Điều này muốn chứng minh, răng thưa, răng ngắn … có ảnh hưởng đến phẩm chất phát thanh. Mũi là lỗ thông hơi khi không khí bị nén ở môi răng và lưỡi. Đó là lý do chúng ta nghe lời phê phán: Hát gì giống như bị người khác bịt mũi. Còn hát bị bóp cổ là sao? Thông thường là do học hát theo lối cổ điển chưa thành tài hoặc có thói quen để âm hát vọng bên trong phần sau của hốc miệng, thay vì cho hơi thông ra một cách tự nhiên. Nghe tiếng hát đó, nhất là lúc lên cao, quả thật bị bóp cổ. 

Có người nói rằng tôi thích hát khi tắm hoặc lúc lái xe. Lúc đó, nghe mình hát rất hay, rất cảm, mà lúc đông người thì hát không được như vậy. Ông Royal Stanton nói rằng, chuyện đó bình thường. Do thiếu tự tin, bị tâm lý tấn công. Hát một mình không cần nhạc, không ai nghe, tha hồ tung hoành theo ý muốn, nhất là cảm xúc. Vì vậy, dễ cảm thấy hay. Khi ra đám đông, tự nhiên sẽ bị áp lực. Nếu trong đám đông có người hát hay, có người hay chê, có tình nhân ngắm nghía, áp lực còn nặng nề hơn nữa. Hát với dàn nhạc lạ, không vững nhịp, không thuộc lời, không mong các nhạc sĩ chơi đàn cứu vớt, tôi nghĩa rằng chưa đánh đã bại, chưa ca đã rớt.

Hát Karaoke, chúng ta không biết màu sắc của âm thanh là gì? vẻ đẹp của giọng hát ra sao? Hoa mùa xuân màu sắc khác lá mùa thu. Vẻ đẹp âm u của Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, khác với vẻ đẹp rạo rực Đừng Xa Em Đêm Nay. Nếu muốn có vẻ đẹp khác thì tâm tư của người hát phải khác. Các bạn có để ý, hầu hết những người có vợ con êm ấm, chồng con âu yếm, lại thường xuyên hát những bài chia ly, tan vỡ, khóc cho một cuộc tình ??? Và xin theo dõi khi họ hát. Mắt môi tứ chi đầy tâm sự. Sao vậy??? Chuyện gì xảy ra ???

Hát Karaoke, chúng ta lo chạy đuổi theo nhạc, theo lời, nên quên mang theo cảm xúc. Nếu có mang theo thì không biết cách điều khiển. Cảm xúc như một sinh vật của bản năng, thả nó chạy tự do, sẽ phát ra âm thanh man rợ. Trói buộc nó quá, sẽ trở thành tiếng vọng từ đáy vực. Điều khiển cảm xúc trong lúc hát là kinh nghiệm nghệ thuật mà hầu hết các ca sĩ thành danh đều thẩm thấu, dù mỗi người có mỗi cách điểu khiển riêng. Tương tựa như vợ điều khiển chồng, mỗi người mỗi cách đều đưa đến hiệu quả, tuy mỗi chồng mỗi vẻ, nhưng đều nghe vợ (thường là không tự biết) dù lơ là nhưng răm rắp. Kết quả, gia đình yên vui. Những người vợ đó biết nghệ thuật phối hợp và biết quản trị vô thức của chồng.  Người Mỹ thường gọi những người hát không có khả năng phối hợp để trình bày bài hát là “bad singer’, người ca ra không ô kê. Còn người hát mà không nương nhờ vô thức mà bay là phi công đi bộ.

Ông Staton đề nghị, muốn hát hay, muốn sinh ra ca khúc, phải đòi hỏi một số điều kiện nhiều hơn là tập hát. Phải có một số phẩm chất để tiếng hát được công nhận có giá trị, để thuyết phục đa số người nghe. Dù hát ngày hát đêm nhưng nếu không đủ những điều kiện hoặc phẩm chất đó thì chỉ là hát mua vui vì đời ngắn ngủi.

“Hay hát không thể bằng hát hay.”

3.

Hay hát hoặc là hát hay đều có lý do, hoặc lộ liễu hoặc thầm kín. Người hát có khi biết, có khi không biết, chỉ cảm thấy thích hát. Thích hát là một nhu cầu tâm lý trong vô thức. Cho dù là ca sĩ chuyên nghiệp, hát vì sinh kế, nhưng nếu hỏi rằng, có rất nhiều chuyện làm, tại sao lại chọn nghề ca hát? Nhu cầu tâm lý này đã có từ lúc nhỏ, có lúc bẩm sinh, như đa phần được xây dựng bởi gia đình và môi trường sống.

Khi buồn chán, hát lên vài câu, cảm thấy nguôi ngoai. Đang mệt mỏi, nghe một bản nhạc vừa ý, sẽ cảm thấy khoẻ lại. Đang bình thường, bỗng dưng, hát lên những câu nhạc thích thú, sẽ thấy đời sáng sủa. Không có quân trường nào mà người lính không hát những bài hùng ca. Không có nhà tù nào mà không nghe tiếng hát. Không có mối tình nào mà không liên quan đến một ca khúc gì đó, để suốt đời, mỗi lần nghe ai hát, bỗng dưng: hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không biết vì sao tôi buồn …

Nhạc để hát hoặc nghe đều đem đến cho chúng ta khả năng chữa trị tâm lý. Thực tế, khi một người say sưa hát, mê man hát, cơ thể người đó tiết ra chất Endorphins, giúp sức khỏe, sáng trí hơn một chút, và vui hơn. Hát làm cho thần kinh và tâm tư sinh hoạt, đánh tan chán nản, trầm cảm. Hát nhiều không có hại gì, miễn đừng “hành hạ” lỗ tai người khác một cách quá đáng. Hát cũng là một cách trị liệu trí nhớ. Những ai chớm bị Alzheimer nên hát suốt ngày, hát theo bài bản, không phải hát nghêu ngao.

Hát là một cách nói những gì khó nói hoặc nói không ra lời. Phải không? Nếu một người nhìn một người sâu thẳm, sắc mặt mơ màng, tay cầm đàn thùng, hát lên: Yêu ai, yêu cả một đời… Có nghĩa là gì?

Hát là kinh nghiệm cơ bản của con người. Con vật không biết hát. Một số nghệ sĩ yêu mến âm nhạc đã nói rằng, sống là để hát. Nghĩ cho cùng, nếu mỗi người Việt là mỗi ca sĩ tài tử đúng nghĩa, thì chúng ta sẽ bớt chia rẽ, kình cãi và xâu xé lẫn nhau, vì hát luôn luôn cần có người nghe, càng đông càng hào hứng…

Ngu Yên là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã in như Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh, Tựa Đề Ở Bên Trong, Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh, Thơ Bạc Tóc, v.v…, là dịch giả của nhiều thi phẩm như Hoa Diên Vĩ Hoang Dại của Louise Gluck, Tôi Không Biết của Wislawa Szymborska, Federico Garcia Lorca.  Anh cũng là một nhà nghiên cứu và phê bình với nhiều tác phẩm về sáng tác truyện, dịch thơ và nhạc như Ý Thức và Dịch Thuật, Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn, Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, v.v… phát hành qua Amazon.
Ngoài ra, anh là một nhạc sĩ với những CD như Bóng Nắng Khuya, Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai (Nguyễn Thảo) và Hát Không Dám Buồn (Julie)
%d bloggers like this: