Diễn Đạt Một Ca Khúc

Ngu Yên

Góp nhặt trong tác phẩm Steps To Singing For Voice Classes. Third Edition. 1983.
Tác giả Royal Stanton 
Wadsworth Publishing Company

Những người hiểu biết về ca hát thường quan tâm về nghệ thuật diễn dịch ca khúc. Chẳng những là một ca khúc mới, mà ngay cả những ca khúc quen thuộc, cũng phải diễn đạt cho thích hợp với cá tính, khả năng am tường ca khúc của người hát, và không khí của mỗi nơi trình bày. Vì vậy, mỗi lần hát dù cùng một bài vẫn có những chi tiết khác nhau.

– Sự diễn đạt ca khúc là gì?

Người hát hiểu gì về ý nghĩa “diễn đạt”?  Cụm từ “Interpretation, diễn đạt” không phải khó hiểu nhưng mơ hồ. Ông Staton đặt câu hỏi: Bạn có thể giải thích ý nghĩa cụm từ này rõ ràng với một người không hề quan tâm đến ca hát không?

Dĩ nhiên, cơ bản, diễn đạt là diễn tả và truyền tin. Câu định nghĩa kỹ thuật là: “Rendering a musical composition according to one’s own idea of the author’s intention.” (Diễn tả một tác phẩm âm nhạc theo ý của một người về chủ tâm của tác giả.) Việc này đòi hỏi sự hòa hợp giữa kỹ thuật cụ thể và các yếu tố cảm xúc-trí tuệ để giải thích và diễn tả.

Ca hát phải là một điều gì độc đáo riêng của mỗi người. Khi cố gắng bắt chước một người khác, một giọng hát yêu thích, sẽ là một sai lầm, đưa đến thiếu tự tin và không bao giờ có thể đạt đến nghệ thuật hát. Tại sao? 1- Vì mỗi người có một giọng hát riêng, không hoàn toàn giống ai, cho dù là anh em sinh đôi. 2- Những yếu tố cảm xúc-trí tuệ, (không phải cảm xúc thuần tình cảm hoặc cảm xúc giả dạng.) của mỗi người không bao giờ giống nhau. Và cảm xúc-trí tuệ (intellectual emotion) của một người sẽ khác nhau trong mỗi lần hát.

Cảm xúc trí tuệ là gì? Một trong diện chính của cảm xúc trí tuệ là sự hiểu biết thông minh về ý nghĩa ca từ và khả năng chia sẻ ý định của tác giả, kích thích phản ứng cảm xúc của người hát. Vì vậy, sự trình diễn của mỗi người, mỗi lần là mỗi đặc biệt.

Nhiều người hát đã lầm lẫn giữa “phản ứng cảm xúc trí tuệ” với “phong cách lôi cuốn” bên ngoài (charismatic style.) Điều này có nghĩa, ta đang vay mượn cách trung thực phản ứng cảm xúc trí tuệ của một ca sĩ thành danh, để giả tạo phản ứng cảm xúc trí tuệ của mình. Bắt chước không bao giờ có thể là nghệ thuật.  

Diễn đạt bắt đầu từ một bản diễn cá nhân và ý nghĩa của nó. Dù là ca khúc mới hoặc ca khúc quen thuộc, trước khi diễn đạt, người hát phải tập kỹ giai điệu, tìm hiểu tường tận ý nghĩa ca từ, sau đó gia giảm độ dài độ ngắn, độ nhẹ độ mạnh, và những diễn tả bởi lý do nghệ thuật. Khi có được bản diễn hài lòng, người hát sẽ tập với bản diễn. Dù đã có nề nếp của ca khúc bản diễn, nhưng mỗi khi trình bày, hãy thư thái để cảm xúc trí tuệ tạo ra một ca khúc duy nhất trong lần hát đó.

Điểm nhấn ở đây là “diễn tả bởi lý do nghệ thuật.” Nếu diễn tả ca từ vì một lý do nào khác, ví dụ như muốn kịch cợm, muốn làm đẹp, … thông thường diễn xuất loại này sẽ làm đứt đoạn dòng cảm xúc đang trôi chảy.

Về mặt kỹ thuật, tức là diễn đạt cụ thể một ca khúc, bao gồm:

1- Thay đổi nhịp nhanh/chậm: tempo. Cũng có nghĩa thay đổi các điệu nhạc. Tuy nhiên, phải có lý do nghệ thuật để thay đổi, thay vì chỉ thay đổi vì lý do không âm nhạc.

2- Cởi bỏ thiên kiến về một thể loại nhạc, ví dụ không thích nhạc sến, nói một cách khác, mở rộng khẩu vị về các loại nhạc vì mỗi loại nhạc sẽ đóng góp vẻ đẹp điều hay vào diễn đạt. Ví dụ, nhạc ảnh hưởng bán cổ điển đóng góp nét sang trọng, trong khi nhạc borero đóng góp nét tình tự.

3- Cảm hứng, ngẫu hứng: tìm những góc cạnh, những ý nghĩa khác thường, đôi khi, vượt qua ý nghĩa của ca từ, đôi khi phát xuất từ kinh nghiệm riêng, trong bài nhạc để diễn tả.

4- Vui vẻ, hưởng dụng nghệ thuật: ca hát không thể là việc đền tội hoặc bị trừng phạt. Luật tự nhiên là ca hát đi kèm theo thích thú.  

Mỗi khi xây dựng và xử lý một bản diễn, là mỗi lần thu thập thêm kinh nghiệm và trao dồi thêm nội lực, cũng như sự thẩm thấu về nghệ thuật ca hát.

%d bloggers like this: