Triệu Vinh

Triệu Vinh, Người Nhạc Sĩ Khiêm Tốn

Minh Nguyệt

Tại Virginia, Maryland, Pennsylvania và những vùng lân cận hầu như ai yêu thích văn nghệ cũng đều biết đến cái tên quen thuộc Triệu Vinh. Khi còn ở Việt Nam, Triệu Vinh đã bắt đầu tự học và chơi guitar từ năm 15 tuổi. Qua Mỹ, anh định cư tại Pennsylvania cùng với bố mẹ và gia đình rất đông anh chị em. Cũng như biết bao dân tỵ nạn khác, TV đã phải bắt đầu cuộc đời mới bằng cách vừa đi học vừa đi làm đủ mọi công việc lao động để lăn lộn, hôi nhập và thích nghi với cuộc sống còn quá xa lạ và mới mẻ này. Anh tốt nghiệp với bằng kỹ sư điện và vẫn tiếp tục làm việc cho tới nay. Hiện nay anh đang ở và làm việc cho chính phủ tại Maryland. Anh đã xây dựng tổ ấm gia đình và có ba người con- hai gái, một trai. Cả ba đều đã thành tài và tự lập.

Cuộc đời Triệu Vinh luôn gắn bó với âm nhạc. Dù chỉ là ca, nhạc sĩ thặng dư nhưng anh được rất nhiều người trong vùng, già – trẻ, nam hay nữ đều ái mộ vì ngoài ngón đàn guitar đầy kinh nghiệm và điêu luyện, anh còn có một giọng hát ấm áp, truyền cảm và cách phát âm Bắc chuẩn còn hơn cả chuẩn! Nhưng có lẽ bạn bè thân quen yêu quý Triệu Vinh vì ngoài có tài năng anh còn là người rất vui vẻ, cởi mở và điềm đạm. Khi chơi nhạc chung với bạn trong nhóm anh luôn nhường nhịn, khiêm tốn và sẵn lòng giúp đỡ chỉ dẫn cho người khác.

Thời còn thanh niên, anh đã từng gia nhập trong các ca đoàn.

Là guitarist cho những ban nhạc như The Eagles, The Survivors, The Bluejay tại Pennsylvania.

Năm 1992, Triệu Vinh đoạt giải Khôi Nguyên trong chương trình tuyển lựa giọng hát tại vùng Hoa Thịnh Đốn và các vùng phụ cận.

Vừa là ca sĩ lẫn nhạc sĩ sáng tác, Triệu Vinh đã phổ nhạc cho rất nhiều bài thơ của các thi sĩ trong vùng như nhạc phẩm Như Giấc Mộng Say- thơ của Ngô Thi Vân; Xa Đau – thơ của thi sĩ Hà Huyền Chi; CD đầu tiên Gọi Về Suối Mơ với thơ của Thi Sĩ Hàn Trúc; CD Triền Miên với 12 bài thơ của thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt; và trong khoảng 12 năm qua Triệu Vinh đã phổ nhạc với rất nhiều thơ của Minh Nguyệt.

Ngoài ra anh cũng tự sáng tác một số nhạc phẩm có giá trị như Mặt Trời, Biển Và Em, Chỉ Là Giấc Mơ, Tình Mơ; Tình Yêu Trong Tranh vv…

Chơi nhạc, ca hát, sáng tác không vì tiền mà vì yêu nhạc. Anh tâm niệm sẵn đã mê nhạc sao không dùng khả năng của mình để đem lại lợi ích người khác. Với quan điểm này Triệu Vinh không bao giờ từ chối khi được mời hát cho những chương trình gây quỹ từ thiện trong vùng. Anh có thể say “no” dễ dàng nếu chỉ là tới tụ tập ăn nhậu vui chơi với bạn bè, nhưng anh luôn sẵn lòng say “yes” cho các chương trình từ thiện.  

Triệu Vinh theo đạo Công giáo nhưng đồng thời cũng thực hành thiền định theo Phật giáo. Có lẽ nhờ thấu hiểu cả hai nên anh có thể trung dung và dễ dàng hòa nhập với tất cả mọi người, mọi nơi, mọi chốn từ chùa đến nhà thờ.

Tôi va vào đời anh khoảng 13 năm trước. Trong một buổi chơi nhạc cho Quán Văn mà gặp nhau. Ngay lập tức khám phá ra cả hai có rất nhiều sở thích và quan điểm giống nhau về nhạc, rồi từ từ khám phá ra thêm ngay về cái nhìn về mối nhân sinh quan của cuộc đời cũng giống nhau; rồi không ngờ sau đó lại trở thành đạo hữu cùng đi chung trên con đường tâm linh nữa chứ! Cho nên cái “va vào đời” này đối với tôi thật là kỳ diệu! Rồi từ va vào Triệu Vinh, tôi lại va vào Kẻ Jazz ..vậy nếu cứ theo The law of attraction, hy vọng rằng tôi sẽ còn tiếp tục va vào những anh, chị, em có cùng sở thích và tâm hồn yêu nhạc như  tôi.

Triệu Vinh từng tâm sự với tôi.. có thời gian mấy năm trời anh gác kiếm (guitar) quy ẩn, hoàn toàn không đụng tới, không hề hé môi cho ai biết là mình biết chơi guitar. Nếu có tham dự chương trình văn nghệ nào ở Virginia, anh cũng chỉ làm ca sĩ. Rồi một ngày anh đã làm biết bao người sửng sốt khi anh tự biên, tự diễn vừa đàn vừa hát như dân pro thứ thiệt.

Tôi hỏi Triêu Vinh “Lý do gì bỗng dưng gác kiếm”.

Anh trả lời “vì nản lòng khi phải chơi chung với người không đồng điệu”.

Tôi cắc cớ hỏi thêm “Vậy lý do mô lại lôi kiếm ra tái xuất giang hồ?”

Triệu Vinh banh miệng cười nheo nheo mắt “Vì giờ đã tìm được tri kỷ và những người biết thưởng thức nhạc như mình”.

…………………………………………………………..

Minh Nguyệt và Triệu Vinh

Đã từ mấy tháng nay, KẻJazz có ý định giới thiệu với bằng hữu của KẻJazz những ca khúc jazz của những nhạc sĩ Việt Nam viết, một ít trước 75, và đa số là cận đại.  Có lẽ khi ta nói về nhạc jazz, ta chỉ nghĩ đến Mỹ vì nơi này là cái nôi của giòng nhạc này.  Nhưng sau đó, như KẻJazz đã từng trình bày, jazz biến thể ra nhiều loại, cũng như xuất hiện trên nhiều địa lục và quốc gia.  Gần đây, Dục đã gửi đến KẻJazz một bài nhạc từ Nhật, viết theo dạng jazz thuần túy cổ điển.  Anh cũng nhắc nhở đến một bài nhạc jazz hiếm nghe của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.  Vì vậy mà có một ngày như hôm

Để bắt đầu một ngả rẽ mới, một hành trình mới, KẻJazz xin giới thiệu với bằng hữu của chương trình KẻJazz hai người bạn mới quen.  Minh Nguyệt và Triệu Vinh. 

Xin Minh Nguyệt (MN) và Triệu Vinh (TV) cho bằng hữu KẻJazz biết thêm về hai bạn.

MN: Cám ơn hai bạn NT và LV rất nhiều đã cho mình cơ hội tâm sự trên KẻJazz. MN mới biết KẻJazz trong vòng một năm nay thôi. Anh bạn thân TV gởi email kèm theo link “V mới khám phá ra website này, bảo đảm MN sẽ thích”. Làm bạn thân bao năm nay nên bạn ấy biết rất rõ sở thích của mình. Quả thật vậy, còn nhớ bài đầu tiên MN nghe là The Girl from Ipanema với dòng bossa nova lôi cuốn; đúng vào ngay thời điểm mình đang chuẩn bị dịch lời cho bài này. Dĩ nhiên từ đó trở đi mình trở thành “secret admirer” của KẻJazz. Không thể ngờ được nay lại có duyên quen với hai bạn. Người ta thường nói ” hay không bằng hên”. Câu này thật quá đúng với MN rồi!

Hãy nói về nhạc jazz, giòng nhạc này có gì đã lôi cuốn hai bạn?

MN:  Nhạc Jazz có gì lôi cuốn? Ủa! Vậy khi yêu, bạn có thắc mắc tại sao lại yêu người ấy đâu nhỉ! Ha ha… Bỗng dưng trong tai nghe văng vẳng câu ai đó hát “không cần biết em là ai; không cần biết em từ đâu” Mình yêu nhạc Jazz chắc cũng na ná thế. Mình không giỏi nhạc để giải thích cao siêu, nhưng có lẽ vì bản thân không muốn bị gò ép theo khuôn khổ nhất định, mình luôn muốn tìm kiếm, muốn đột phá những điều mới lạ và hình như chỉ khi hát hoặc nghe nhạc jazz mình mới có được cảm  giác tự do, phóng khoáng, thoát ra khỏi cái tù túng thường tình ấy.

TV: Lúc còn ở đại học V hay nghe nhạc Jazz vì  phân khoa Jazz nằm ngay cạnh lớp học nên ngày nào cũng ghé qua nghe Jazz.  V rất thích lối chuyển hợp âm của Jazz và những tiết tấu thú vị của jazz standards như swing và bebop. Ngoài ra V cũng thích những thể loại Jazz khác như Brazillian bossa nova, modern jazz và fusion jazz.

Vâng, phải công nhận rằng những biến chuyển của thể nhạc jazz tạo nên nhiều loại nhạc đặc thù, nhiều sắc thái.  Có những thể điệu trở thành phổ thông, nhưng cũng có một số ít chỉ xuất hiện ở địa phương và ít được phổ biến.  KẻJazz vẫn luôn kiếm tìm với một ý niệm giới thiệu đến khán giả cũng như làm giàu thêm nền âm nhạc Việt.

MN: Mình thấy nhạc Việt Nam bị hạn chế rất nhiều, không phải vì nhạc sĩ dở đâu ạ, mà vì ngôn ngữ Việt có dấu âm bằng trắc rõ ràng. Cho nên khi viết nhạc bỏ lời vào là bị dính cứng luôn. Không cẩn thận “phăng” bậy đổi nốt nhạc lên xuống có thể bị..ăn tát như chơi bằng không cũng sẽ lơ lớ cứ như mấy anh ngoại quốc đang hát nhạc Việt vậy.

MN nói rất đúng, nhưng không thể nào vì thế mà ta phải bỏ qua một loại nhạc mà cả thế giới đều công nhận là đã đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc quốc tế.  KẻJazz vẫn cho rằng mọi gian nan đều sẽ vượt qua được nếu mình chịu khó bỏ công sức tôi luyện.  Hy vọng một ngày nào đó, người Việt sẽ thưởng thức nhạc jazz nhiều hơn. 

Nhưng có một thể nhạc khác liên hệ đến jazz, mà người Việt lại chấp nhận từ lâu, là nhạc blues.   Minh Nguyệt có lần nói trên trang Facebook, “bất cứ bài hát nào theo thể điệu blues cũng đều lôi cuốn tôi mạnh mẽ, nhất là blues jazz.”  MN có nhớ đến ca khúc blues hoặc blues jazz nào lần đầu tiên đã khiến “tim [bạn] trật đi vài nhịp” không?

MN: Vâng, đúng là vậy. MN mê blues đến nỗi bài nào hơi chậm chậm đều muốn đổi qua blues. Còn bài nào nhanh thì đòi chuyển qua bossa nova.  Điều này TV là người biết rõ nhất đấy ạ.  Bây giờ không nhớ nổi nữa rồi, bài đầu tiên làm “tim trật nhịp” vì bài nào nghe cũng đều phê như vậy.  Nhưng MN còn nhớ mình rất thích Cry Me A River vì đó là bản nhạc Jazz đầu tiên mình viết lời Việt.  Ain’t No SunShine cũng là bài mình yêu thích.

Nói về ca khúc Nhớ Em, mình biết đến ca khúc này qua phiên bản swing của hai bạn trên trang YouTube; không biết có phải là điệu TV đã chọn khi viết Nhớ Em không?  Nếu đúng như vậy thì điều gì đã thúc đẩy Triệu Vinh chọn thể điệu swing khi viết cũng như trình bày ca khúc Nhớ Em này? Vì một cụm từ trong lời của Minh Nguyệt?  Hay một giai điệu, một câu nhạc nào  bỗng đến với bạn?

TV: Có một hôm mình tình cờ nghe Harry Connick Jr. hát trên tivi (không nhớ tên bản nhạc…) và bài hát này đã tạo cảm hứng cho bài Nhớ Em.  Thật ra mình viết lời rất tệ nên khi sáng tác nhạc xong phải nhờ MN viết lời.  Không ngờ chỉ qua một đêm MN đã hoàn tất lời hát cho Nhớ Em mà ý tưởng còn hay hơn mình tưởng tượng.

MN: . Mình thích chất “nhựa” da diết của blues. Ngay cả bài Nhớ Em mình cũng đã từng đổi qua blues hay bossa nova để hát rồi.

Chà, nếu như vậy, hôm nào KẻJazz lại phải xin hai bạn làm thêm một phiên bản blues cho Nhớ Em nhé.  Biết TV đã khá lâu khi tôi làm việc chung trong CD jazz của Ngô Minh Trí, Buồn C Major, tôi rất ái mộ chất giọng rất thoải mái của bạn.  Trước Buồn Cung SolPhố Lạ, TV có hát jazz nhiều không?  Nếu có thì ca khúc nào hoặc ca sĩ nào có ảnh hưởng đến cách hát của bạn?

TV: Nói về giọng nam thì mình rất thích Frank Sinatra, Tony Bennett, Harry Connick Jr., vv, nhưng lúc trẻ thì mình rất mê giọng hát của Nguyễn Chánh Tín, Tuấn Ngọc, và Duy Quang.

Mình không nhớ giọng hát của Nguyễn Chánh Tín, nhưng có lẽ nghe ra được nét thoải mái của Duy Quang trong cách phrasing của bạn, và phát âm có khi phảng phất Tuấn Ngọc.  Trở lại với MN, cũng biết MN dịch nhiều nhạc ngoại quốc, nhạc sĩ hoặc ca sĩ nào MN cho là hợp với sở thích của bạn?

MN: Dạ, cũng không nhiều đâu ạ. Các cụ nói “muốn ăn phải lăn vào bếp”. Vì thích hát mà không ai viết lời Việt thì mình đành phải ra tay thôi. Lúc đó phải chi biết KJ thì hay biết mấy, đỡ mất chất xám nhiều rồi!

Mình rất xấu hổ khi phải thú thật với bạn điều này. Ca sĩ thì họa may mình còn nhớ được vài tên còn nhạc sĩ mình không nhớ nổi ai là ai. Nếu tình cờ nghe một bài hát nào thích thú mình sẽ nghe đi nghe lại không chỉ một người hát mà có thể sẽ lục trên mạng để nghe nhiều version khác nhau từ nhiều ca sĩ khác dù là pro hay amateur. Mình làm vậy vì không muốn bị ảnh hưởng vào một lối hát nào và đồng thời cũng có thể học và hội tụ nhiều cái hay của nhiều người khác. Bù lại, hậu quả tai hại nhất là không nhớ ai là tác giả và ai là ca sĩ chính hát nhạc phẩm đó nữa. Có lẽ Diana Krall là ca sĩ hợp với sở thích của MN nhất chỉ vì range nhạc của cô cùng với mình và mình cũng thích chất giọng trầm, quyến rũ (sultry) hơn là giọng cao thánh thót.

Thật là cám ơn hai bạn đã cho bằng hữu KẻJazz những giòng tâm sự này, cũng như là ca khúc Nhớ Em sau đây.  Hẹn hai bạn trong những ca khúc jazz Việt Nam sẽ được giới thiệu trên trang mạng này trong những ngày tháng sắp đến.

KẻJazz (November 2020)

%d bloggers like this: