Julie (Quang)

Này, Julie. Hát Lại Lần Nữa.

Ngu Yên

Tôi thường hay nhớ câu nói ví von của Vera Nazarian, “Nếu âm nhạc là một địa danh, thì Jazz là phố thị, Dân ca là miền hoang dã, nhạc Rock là con đường, nhạc Cổ điển là đền thánh.” Nghĩa là, nhạc Jazz có cá tính đa dạng và tình cảm phức tạp như sinh hoạt trong một thành phố.

Tình yêu cũng đa dạng và phức tạp như Jazz. Vì vậy, dùng nhạc Jazz để trang trải ái tình, sẽ không mùi mẫn như nhạc Sến, không gò bó lưu đày như nhạc Cổ điển, không mộc mạc hồn nhiên như Dân ca, không cường điệu bốc đồng như nhạc Rock, không quá chú trọng đến bản thân âm nhạc như nhạc Pop, mà trung thực với cảm xúc trong lòng. Jazz hội đủ những sắc thái của các loại nhạc khác nhưng “trần trụi” (thành thật, say sưa, không màu mè) với tâm sự khi sáng tác và trình bày. Rốt ráo, nhạc Jazz chỉ là một nghệ thuật, một tài năng thích ứng với tâm hồn Jazz. Không có tâm tư này, thì Jazz bên ngoài chỉ là một trò chơi “ắt có” nhưng “chưa đủ” dù vô tình hay cố ý.

Tôi không thích khiêm nhường, vì khiêm nhường thường dẫn đến đạo đức giả. Tôi không thích huênh hoang, vì nổ thường dẫn đến bị khinh bỉ và tự hại bản thân. Tôi trung thực nghĩ rằng, Việt Nam chưa có nhạc Jazz đúng tinh thần và cảm xúc Jazz. Chúng ta có một số tài năng xuất sắc về  Jazz, trong và ngoài nước, nhưng quá ít, không tạo nổi phong trào. Đa số nhạc Jazz, nhất là diện trình bày ca khúc Jazz hiện nay chì là Da, chưa phải hồn.

“Hình Như Có Tiếng Tình Yêu”, tuy có tình cảm của một ngày buồn bã, yêu thương, nhưng vẫn là Da. Mượn hoa cúng Phật, mượn Jazz với hàng nốt trầm bổng dằn vặt, với nhịp lẻ rã rời, nhịp chỏi chạy trốn trật tự của đời sống, nhưng tấm da ấy mỏng và không đủ lớn, nên chỉ căng vừa chiếc trống đệm nhạc Pop.

“Hình Như”, ai lại chẳng có lúc đang trầm tư, chìm sâu hồi tưởng, chợt giật mình nghe như có ai đang gọi mình. “Tiếng Tình Yêu”, thứ tiếng này bất kỳ trong ngôn ngữ nào cũng giống nhau, không cần thông dịch. Nghe tiếng đó, toàn thân liêu xiêu, buồn bã, trí nhớ dồn dập một cách mơ hồ, vừa êm dịu lại vừa xâu xé, nếu không có người yêu bên cạnh. Nghe tiếng đó, nếu đang gần gũi người yêu, tất cả chung quanh đều biến mất, chỉ còn hai đứa, chỉ còn hai mê muội sắp sửa” “Yêu nhau đi, đời không còn bao ngày.”

Julie Quang đến với “Hình Như Có Tiếng Tình Yêu” cũng tình cờ như nghe ai gọi. Chúng tôi trở thành bạn thân vì âm nhạc, vì Da. Nàng làm cho Da mượt mà, láng lẩy hơn. Tiếng hát của nàng, nghe vào giữa khuya, làm nổi lên những cảm xúc u u lợn cợn, người bình dân gọi là nổi da gà.

Julie có lối hát nhạc Jazz mà tôi và vợ tôi đều yêu thích. Trung thực, không biểu diễn, thả lời lẽ tự nhiên theo câu nhạc không cần ngân nga. “Ngày buồn quá, hôn nhau nhìn thấy linh hồn”  Có thể thấy đôi mắt lớn với hàng mi cong rậm khép lại gần kín như mắt trăng lưỡi liềm sắp khuất vào đê mê. Chúng tôi yêu tiếng hát Julie Quang vì tiếng hát ấy không giả dạng.

Tôi viết bài này vào những năm cuối thế kỷ 20, bây giờ đã hơn hai mươi năm, nghe lại, ôi, mơ màng một thời quá khứ. Bản của Julie hát là bản tôi viết lại trong tinh thần Free Jazz theo lời yêu cầu của Julie. Khi thâu, nhạc sĩ phối khí Nguyễn Quang lại gia giảm cho thêm màu sắc. Mỗi ca khúc có mỗi số mệnh riêng. Một tác phẩm Jazz luôn luôn cho phép sự cộng hưởng của nhiều nhạc sĩ và ca sĩ. Ca khúc Jazz là ca khúc sống, biến đổi theo thời đại và theo người trình bày. Tác giả chỉ là người bắt đầu, sau đó, tác phẩm sinh hoạt theo từng phố chợ đa dạng và phức tạp.

Tuổi già, tai điếc, không còn nghe được tiếng tình yêu. Dẫu có nghe, chắc không còn ai gọi. Có lẽ, tôi nên viết ca khúc “Dường Như Có Tiếng Ma”, sẽ dễ đúng nhạc Jazz hơn, vì ai mà không sợ chết.

Ngu Yên. Houston.

Viết tay ngày mất điện, không cà phê vì mất nước, vô cùng cách ly vì iPhone mất sóng. Tuyết là một thứ nhìn xa cho đẹp, không nên sống gần.

Này, Julie. Hát lại lần nữa đi.

…………………………………………………

Julie

Trường Kỳ

Có những giọng ca mà khi nhắc đến tên, người ta liền nghĩ ngay đến một nhạc phẩm tiêu biểu do giọng ca đó trình bày. Tên của nhạc phẩm và tên ca sĩ đã gắn liền với nhau như hình với bóng. Chẳng hạn khi nói đến Julie thì chắc chắn phải nhắc đến nhạc phẩm Mùa Thu Chết của Phạm Duy. Qua bao biến đổi của thời gian, qua bao đổi thay của hoàn cảnh, nhưng cho đến nay mỗi khi nhắc tới Julie là người ta nhắc đến Mùa Thu Chết. Sau hơn 30 năm đi hát, khởi đầu bằng sự cộng tác với nhiều ban nhạc trẻ tại Sài Gòn trước kia, Julie hiện nay tuy không còn hoạt động mạnh mẽ như trước, nhưng tiếng hát của cô vẫn luôn còn một chỗ đứng trong tâm hồn những người yêu nhạc.

Tính cho đến nay Julie đã thực hiện nhiều băng nhạc và CD, trong số đó có những tác phẩm đòi hỏi một nghệ thuật thưởng thức cao, chẳng hạn những nhạc phẩm mang âm điệu Jazz hoặc Blues, nhưng một khi đã ưa thích người ta sẽ trở nên gắn bó hơn, nhất là với giọng ca diễn tả những nhạc phẩm đó.

Cũng như nhiều ca sĩ từng được coi là những giọng hát nòng cốt của nhạc trẻ Việt Nam, Julie khởi sự bước qua lãnh vực tân nhạc kể từ những năm đầu của thập niên 70 và đã tạo ngay được sự thành công qua sự dẫn dắt của nhạc sĩ Phạm Duy cùng với những nhạc phẩm của ông. Vào thời kỳ này, cô có tên là Julie Quang khi lập gia đình với Duy Quang…Sau khi chia tay cùng người con cả của Phạm Duy, cô đã trở lại với cái tên ngắn gọn là Julie cũng là tên dùng khi còn đi hát với những ban nhạc trẻ vào những năm cuối thập niên 60… Julie rời Việt Nam sang Pháp vào dịp Giáng sinh năm 74 và kẹt tại đây vì biến cố tháng Tư năm 75. Trong thời gian ở Pháp, Julie đã có nhiều đóng góp trong những sinh hoạt xã hội cũng như cộng đồng tại đây với những nhạc phẩm đấu tranh.

Con đường nghệ thuật của Julie đã được cô định ra một cách rõ ràng…con đường đó hoàn toàn không có tính cách thời thượng như cô quan niệm, nhưng là một con đường đặt nặng vấn đề giá trị với những nhạc phẩm trình bày như cô quan niệm:: ” dù sao em cũng đã có một vị trí trong làng tân nhạc Việt Nam.. Bởi vậy tự em không cho phép em hát lung tung lên, hay vì người ta thích vậy mà mình phải hát như vậy…những người thích em từ hồi nào tới giờ thì chính họ đã định cái vị trí cho em rồi..cứ đường đó mà em đi thôi”

Julie cũng tâm sự là con đường cô chọn lựa không đưa cô đến một vinh quang chói lòa, nhưng ngược lại đã thu hút được một số khán thính giả riêng cho mình, một số khán giả chọn lọc đặc biệt cảm mến tiếng hát của cô. Trước sự thành công lớn lao về tinh thần như vậy nên Julie không bao giờ nghĩ là đã sai lầm trong việc chọn lựa con đường theo đuổi.

Mặc dù mang hai dòng máu Việt và Ấn, mặc dù nói cũng như hát được thông thạo tiếng Pháp và Anh, nhưng Julie vẫn thích trình bày hơn cả những nhạc phẩm lời Việt Nam vì đối với cô tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của cô và Việt Nam nơi cô sinh trưởng chính là quê hương của người ca sĩ là con cả trong một gia đình gồm 6 người con này. Ngôn ngữ Việt Nam đối với Julie là cả một sự phong phú đã ăn sâu trong tâm khảm cô, bởi vậy không những hát tiếng Việt, Julie còn viết lời Việt cho nhiều nhạc phẩm ngoại quốc riêng cho mình, đã được thu thanh trên một số CD.

Julie bước vào con đường nghệ thuật chính do sự khuyến khích của mẹ cô, qua đời vào năm 97 vừa qua tại Pháp. Julie cho biết lúc còn nhỏ gia đình cô rất nghèo, nhưng mẹ cô vẫn tằn tiện cho cô theo học trường Pháp và không hề tiếc tiền khi phải chắt chiu từng đồng mua cho cô rất nhiều bài hát để cô sưu tầm cũng như tập dượt. Với người mẹ thân yêu đó, giờ đây đã quá vãng, Julie có rất nhiều kỷ niệm êm đềm dù cho cuộc sống tình cảm cũng như xã hội của cô đã trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió…Những dĩ vãng đau buồn, những kỷ niệm chua xót đã qua đi, hiện Julie sống một cách rất thảnh thơi với những gì cô hiện có….

…………………………………………………

Từ MC Thùy Dương Phỏng Vấn Julie Quang

Lê Thị Huệ

Ca sĩ từ Paris mới về. Bạn nói vừa tìm lại được một lãng mạn ở Paris, sẻ chia một chút làm quà cho câu chuyện Đi và Ở Paris – Cali của nường. Tôi tưởng nghe Julie hái hoa tình yêu mới. Té ra bạn kêu tháng qua về tìm lại được một lãng mạn cũ, tình yêu với đất trời Paris. Julie tả những thảm lá vàng chỉ thấy ở Paris. Nường có thế vùi vào thảm lá nằm yên với thu vàng Paris ngất ngây.

Nghe Julie phỏng vấn bởi MC Thùy Dương của Trung Tâm Asia. Cool! Julie yêu đời ở những thảm cây lá nàng dát vào thời gian 10 năm qua trong vườn nhà gần khu Bolsa. Cách trả lời của một nữ nghệ sĩ yêu ma và tỏa sái hoan lạc với tạo vật của thiên nhiên. Chỉ có một tâm hồn nghệ sĩ sung mãn mới có phù phép phóng chiếu vào đời sống những thỏi sức sống lung linh đến thế.

Không phải là một Julie đang trình diễn trên sân khấu. Mà là một nữ artist thần sầu nhả những đường tơ nghệ thuật và triết lý sống vào chim, lá, đá, và đất sau nhà nàng. Đời dễ gì có những tay đàn bà sống vạm vỡ mà còn thu lôi cả tiếng hát trong vòng cổ no nư kia chứ.

Tôi lập tức liên tưởng đến video clip cũng vừa mới xem phỏng vấn một nường quái kiệt tiếng ca phù phép Barbra Streisand khi nường oai hùng trở lại giới thiệu CD Partners mới ra. Nường Babara trả lời vẫn tràn trề phong độ nữ tướng nghệ thuật. Tràn đầy sinh lực của một phong phú tâm hồn như Julie Quang, bạn tôi.

Những tâm hồn phong phú và là nghệ sĩ trong từng tấc đời sống của họ. Họ tỏa ra sức sống căng tràn và sáng tạo, dù họ ở lứa tuổi nào. Julie Quang là một trong những nường ca sĩ sâu lắng hiếm hoi của cái giới hát hỏng lèo èo Việt Nam. Tôi thúc hối Julie hãy trở lại làm nghệ thuật. Quậy lên cái coi. Làm xái gì có chút sáng tạo đơi. Có gì mới thì thảy ra sàn đi nhé nường.

lê thị huệ (11.2014)

Nguồn: http://www.gio-o.com/Chung/JulieQuangMCThuyDuong.htm

%d bloggers like this: