Châu Hạnh

CHÂU HẠNH, kẻ jazz không-ngừng-hát

Ngô Nhật Trường

Châu Hạnh là một trong hai giọng nữ duy nhất của Kẻ Jazz cho đến hiện tại. Khác với sự trong trẻo, nhẹ nhàng bay bổng của Anh Thi, chất giọng của Châu Hạnh già dặn, trầm khàn và vang cho thấy nhiều sự từng trải, và cũng là những lằn ranh, khuôn khổ dường như cô muốn phá vỡ. Tôi cảm giác là vậy.

Mãi cho tới khi được trò chuyện với cô, tôi mới biết cảm nhận của mình thật không sai. Châu Hạnh xuất thân trong gia đình vốn cởi mở, ảnh hưởng nhiều của văn hóa nước ngoài. Ba cô đi học Mỹ và là người yêu văn nghệ, khiêu vũ nhưng lại nhất quyết không cho cô đi theo con đường ca hát dù cô đã được mời biểu diễn trong các quán nhạc ở Sài Gòn những năm 70. Ba cô mong cô trở thành cô giáo. Cô kể có lần đã bị ba theo dõi tới tận nhạc quán để bắt về khi cô đang đứng hát giữa đám đông. Tất nhiên, với tình yêu cho âm nhạc, cô đâu dễ bị khuất phục.

“…thiếu nhạc một ngày là không thể chịu nổi,” cô chia sẻ.

Mà cô cũng không thể cãi lại ba. Cuối cùng, người ta cũng gọi cô là cô giáo Châu Hạnh. Cô dạy anh văn trong trường học, rồi cuối buổi “ngứa nghề” lại dạy học trò… hát. Không được hát ở nhạc quán, cô tụ tập bạn bè đàn hát ở nhà, ở trường,… ở đâu cũng được. Miễn là được hát. Bao nhiêu năm qua rong ruổi qua lại giữa Canada và Việt Nam, Châu Hạnh vẫn hát, vẫn phá vỡ những lằn ranh của cuộc đời cô. Và tiếp tục phá vỡ lần nữa khi cô biết đến Kẻ Jazz. Châu Hạnh không có sở trường với thể loại nhạc này. Khi Anh Thi giới thiệu Châu Hạnh vào Kẻ Jazz hồi năm ngoái, cô thú nhận ban đầu cảm thấy nhiều khó khăn. Bởi nhạc jazz đã “khó nuốt” mà giờ lại là nhạc jazz lời Việt! Nhưng sự tử tế và đam mê, sáng tạo của anh Vũ, anh Thảo dành cho âm nhạc đã khơi gợi cho Châu Hạnh nhiều thích thú. Cô bắt đầu thích jazz, nghe jazz nhiều hơn, và hát jazz.

Kẻ Jazz là một khu-vườn-âm-nhạc-không-biên-giới cho tất cả người yêu nhạc nói chung và jazz nói riêng tới gần với nhau. Nhờ Kẻ Jazz, tôi tìm thấy, gặp gỡ những người anh, người chị, người bạn cùng chung một tình yêu, một đam mê. Dẫu có khi chưa từng một lần gặp mặt nhưng đã như hiểu nhau qua mỗi bản nhạc. Chúng tôi, dù mỗi người một thân phận, từ các vùng đất, tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng hiện thực hóa giấc mơ âm nhạc mà những biên giới vô hình kia đôi lần đã chôn vùi. Và, Châu Hạnh cũng vậy!

Ngô Nhật Trường
Sài Gòn, tháng tám, năm 2018

[trở về]

%d bloggers like this: