Lê Vũ

Có người bảo tôi, nghệ thuật là người.  Tôi nghĩ nhiều về câu nói này.

​Một trong những nhà văn tôi thích, Milan Kundera, viết rằng:  “[Nghệ thuật] là kết quả của hoang tưởng.  Hoang tưởng về huyền lực thấu hiểu người khác.  Nhưng thật ra ta hiểu gì?…  Ta chỉ có thể nói về chính ta… những gì [ta hiểu về người khác] chỉ là điều dối trá.”  Như thế, người nghệ sĩ chân chính chỉ có thể cấu tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng của chính họ.  Nghệ thuật là người; người là nghệ thuật.  Những góp nhặt tôi luyện trong đời nung nấu ra cái nghệ thuật của họ. Tôi cho rằng, nghệ thuật như một thân cây có nhiều cành nhánh: hội họa, âm nhạc, văn chương, thi phú.  Những cành nhánh ấy cùng chung làm nên nét đặc thù của cây (người làm nghệ thuật).  Thêm vào đấy, những triết thuyết, những suy tư, những băn khoăn là đất, là khí trời, vun xới cho cây lớn mạnh hay èo uột, là nắng mưa sương gió uốn nắn cành nhánh.

​Nghệ thuật của Lê Vũ có lẽ giống một cây tre: thẳng tắp, vững mạnh, cao vút.

​Y mê nhạc như con thiêu thân mê lửa.  Y chuyên chú nghiên cứu nhạc lý và kỹ thuật âm thanh.  Ngoài ra thì không mấy quan tâm đến những lãnh vực nghệ thuật khác.  Y  không cần biết thời hiện sinh, thời hậu hiện đại là gì.  Y cũng chẳng đoái hoài đến những trường phái, những tư tưởng lớn đang luân lưu trên thế giới cũng như ảnh hưởng đến môi sinh chung quanh.  Với Lê Vũ, chỉ có nhạc.  Cây nghệ thuật của y không có cành nhánh văn chương hội họa triết lý chi ráo.

​Mà ngay cả về nhạc, Vũ cũng theo một cách… lạ thường.  Khi tôi yêu cầu y soạn hòa âm, y muốn xem bài nhạc hơn là một bản ghi âm.  Y muốn những ký âm đến với y không bị một ảnh hưởng nào.  Những tiết tấu nhịp điệu tự nó phải mật báo với y qua những nốt nhạc, qua những trường canh.

​Y thật là khó khăn.

​Nên khi y đề nghị làm chương trình nhạc Jazz thế giới lời Việt, tôi cũng hơi gờm là thế.  Ngược lại, tôi mê nhạc Jazz từ lúc còn học đại học.  Bỗng dưng bây giờ có người nhờ dịch lời và ghi âm, tôi cũng khoái.

​Bài đầu tiên Vũ đề nghị:  Windmills of Your Mind.  Tôi hì hục cả tuần lễ chẳng đi đến đâu.  Tôi bỏ cuộc, quay qua hí hoáy viết bài khác.  Rồi bài khác.  Rồi bài khác nữa.  Tôi tấn công y tới tấp với hy vọng y không nhớ đến nhạc phẩm nọ.

​Một số nhạc tôi dịch xuất xứ từ Ba Tây, Vũ có vẻ hưởng ứng.  Một số khác từ Pháp, y cũng gật gù thích chí.  Nhiều bài nhạc Mỹ jazz cổ điển hoặc hiện đại, y không có trục trặc gì.  Nói chung, y như một cục bông gòn hút nước không từ nan.

​Tôi ít khi bàn về cách Vũ soạn hòa âm.  Vũ cũng ít khi phê bình về cách bày diễn nhạc phẩm trong phòng thâu.  Chúng tôi làm việc khá nhịp nhàng.

​Tôi cũng biết Vũ hát từ dạo chơi trong ban nhạc, nhưng ít khi hát chính.  Ngược lại, khi thâu nháp, bài nào y cũng ghi âm qua.  Nghe quen tôi khám phá giọng Vũ có những nét lôi cuốn riêng.

​Giọng Lê Vũ không giống ai.  Tôi không thể mường tượng đến Tuấn Ngọc, Duy Quang, Elvis Phương, hay một ai khác.  Giọng Vũ rất… Lê Vũ.  Khẳng định rằng giọng y thiếu điêu luyện của nhiều ca sĩ chuyên nghiệp, nhất là những tay chuyên về thanh nhạc.  Nhưng nét nghệ sĩ tính thì Vũ vượt trội.  Y hát thoải mái như lấy đồ trong túi.  Cách chuyên chở tình ý của y bằng rung cảm tự nhiên hơn là gò bó kỹ thuật.  Nghe y hát làm tôi hay nghĩ đến Chet Baker.

​Không trọng kỹ thuật hát thành ra Vũ không ngần ngại khi vượt ra khỏi âm vực bình thường (chest voice) lên âm vực cao (falsetto).  Y cũng không bao giờ phô trương hơi ngân.  Ngân nga tự câu dài hay ngắn, ngắt câu bằng chữ đóng hay mở;  y tự tại thoải mái.  Chính ra điều này tạo cho y một không khí đặc biệt riêng tư.

​Có lẽ tôi phải nghĩ lại điều tôi viết lúc đầu:  nung nấu nghệ thuật thật ra chẳng cần rườm rà.  Nét đặc thù Lê Vũ là tự những tư duy thẩm thấu của chính y.

​Nguyễn Thảo

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: